Cụ ông 104 tuổi "chân Giao Chỉ" cả đời không đi vừa giày dép

Cụ ông đã bước qua tuổi 104 nhưng sức khỏe vẫn còn rất dẻo dai, minh mẫn. Điều “kì lạ”, đôi bàn chân của cụ xòe ra như cái chổi, nên chưa một lần cụ được đi đôi giày hay dép vừa chân.

Cụ ông 104 tuổi "chân Giao Chỉ" cả đời không đi vừa giày dép - 1

Cụ Phương và đôi bàn chân không đi vừa đôi dép nào của mình.

Giày cỡ to vẫn phải đục thêm lỗ

Dù sống qua hai thế kỉ, nhưng hằng ngày cụ Nguyễn Đình Phương (SN 1912, trú tại thôn Bàng, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn làm mọi việc, chưa phải nhờ đến con cháu. Hiện cụ sống cùng cô con gái út là bà Nguyễn Thị Thiện trong căn nhà khang trang ngay cạnh trụ sở UBND xã.

Bước sang tuổi 104 nhưng da dẻ của cụ Phương vẫn hồng hào, nói năng minh mẫn, đôi mắt vẫn nhìn rõ mọi thứ.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc nên từ nhỏ cụ Phương đã gắn bó với ruộng đồng. Năm 19 tuổi, cụ kết hôn với cụ bà Nguyễn Thị Nhớn (sinh năm 1931), có với nhau 10 người con thì 4 người đã mất vì bệnh tật.

Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng cụ vẫn cho các con ăn học đến nơi đến chốn và đều có công việc ổn định. Đến nay, con cái đã trưởng thành, người là kỹ sư xây dựng, người y tá, bộ đội về hưu…

Người con lớn nhất của cụ Phương đã 82 tuổi và người con út cũng ngoài 70. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, các con của cụ cũng tề tựu đông đủ. Mái tóc đều bạc trắng cả nhưng có một điểm chung là ai cũng rất khỏe mạnh.

Điều đặc biệt mà nhiều người ấn tượng ở cụ Phương là đôi bàn chân không giống ai. Có lẽ cụ là người duy nhất có "đôi chân Giao Chỉ" còn sót lại ở đất Kinh Bắc. Bàn chân cụ khổng lồ với hai ngón cái xòe ra mang đặc trưng của bàn chân người Giao Chỉ. Cụ ngồi luôn phải duỗi thẳng 2 chân ra, chứ ít khi khoanh chân vì cái bàn chân quá to.

Cụ ông 104 tuổi "chân Giao Chỉ" cả đời không đi vừa giày dép - 2

Thời trẻ cụ Phương chủ yếu đi chân đất. Con cháu cụ đã cất công đi nhiều nơi hỏi mua giày cho cụ nhưng không nơi nào bán vừa đôi chân của cụ. Cách đây mấy năm, người con trai của cụ sang Singapore du lịch và đã tìm được mua được một đôi giày ngoại cỡ về biếu bố. Tuy nhiên, để cụ đi vừa, các con vẫn phải dùng kéo đục lỗ to 2 bên thành dép cho ngón cái thò ra mới đi được.

Nói về đôi bàn chân to của cụ Phương, người con trai thứ 2 là ông Nguyễn Đình Ngạc (SN 1935) vui vẻ: “Tôi cũng không biết bố tôi có phải là người gốc Giao Chỉ hay không, nhưng bà nội là người sinh ra bố tôi cũng có bàn chân người Giao Chỉ, người em của bà nội tôi cũng có bàn chân như thế. Đến đời chúng tôi thì không ai có bàn chân như vậy cả”.

Cả đời mới đi viện 1 lần

Theo lời ông Ngạc, điều đáng ngạc nhiên là những người có bàn chân Giao Chỉ trong gia đình đều khỏe mạnh, sống thọ. Ngay như cụ Phương, dù đã 104 tuổi, nhưng không biết ốm đau là gì.

“Tôi cũng phải công nhận rằng cụ có sức đề kháng rất tốt. Dù thời tiết có thay đổi đột ngột thế nào, cụ cũng không ảnh hưởng gì cả. Trí nhớ cụ còn rất minh mẫn, cụ vẫn có thể kể tên từng người con, đứa cháu trong nhà. Nhiều người hỏi tại sao cụ lại khỏe mạnh như thế thì tôi cũng không biết trả lời thế nào”, bà Nguyễn Thị Thiện, cô con gái út của cụ Phương thổ lộ.

Là người trực tiếp chăm sóc cụ Phương, bà Thiện cho biết, vài năm trước, tuy tuổi cao nhưng cụ rất thích tập thể dục. Cụ bảo thể dục như thế vừa khỏe, vừa hoạt bát. Bà Thiện nói: “Có lẽ ông sống thọ là nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt đều đặn. Mỗi bữa, ông cụ ăn hai chén cơm. Ngày ngủ 8 tiếng, sáng dậy sớm”.

Nói về bí quyết “sống lâu, sống khỏe, sống đẹp”, cụ Phương cười tếu nói: “Chẳng có gì gọi là bí quyết, chỉ cần ăn uống điều độ, sáng tối chịu khó vận động là khỏe. Nhưng nếu như không có con gái lo bữa ăn chu đáo, chắc tôi không có sức khỏe như ngày hôm nay đâu”.

Còn con trai cụ, ông Ngạc thì bảo: “Cha tôi sống thọ là nhờ tuổi trẻ vận động nhiều. Vả lại ông không hề uống rượu bia, hút thuốc”.

Cụ ông 104 tuổi "chân Giao Chỉ" cả đời không đi vừa giày dép - 3

Đã bước sang 104 tuổi, nhưng cả đời cụ Phương mới đi viện 1 lần.

Món ăn ưa thích bao nhiêu năm của cụ ông là cơm nếp. Cụ thường ăn cơm nếp chấm với nước mắm và ăn chuối. Cụ có thể ăn cơm nếp cả tháng. Hơn nữa, cụ Phương thích uống nước nóng. Dù nước sôi sùng sục rót ra cốc, bỏng giãy, cụ vẫn đưa lên miệng uống luôn được.

Bà Thiện cho biết thêm, từ cuối năm 2015, mắt cụ có phần kém một chút. Những năm trước cụ vẫn còn giã cua, nhặt rau, nấu cơm và quét dọn nhà cửa. Thậm chí, các cháu hay người thân ở xa gọi điện về thăm sức khỏe, cụ vẫn nghe rõ và trả lời vanh vách.

“Dù đã bước qua tuổi 104, nhưng chỉ một lần duy nhất cụ đi bệnh viện, là 50 năm về trước, do tai nạn ngã gãy chân. Từ đó đến nay cụ chưa từng đi viện, cũng không phải uống bất cứ viên thuốc nào. Mỗi bữa vẫn ăn được 2 bát cơm, còn đi lại được nên việc vệ sinh cá nhân, cụ vẫn tự lo được. Nhờ phúc ấm tổ tiên nên bố vẫn thọ cùng con cháu, chúng tôi hạnh phúc lắm”, bà Thiện chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Trang (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN