“Cụ” dê vào sới đấu
Núi có cao tới đâu, loài dê cũng có thể chinh phục và đặt chân lên tới đấy. Trong đàn gia súc của người vùng cao, con dê nằm trong "lục súc" nên thường không thể thiếu. Loài dê vốn gần với hoang dã, người nuôi dê chỉ việc thả lên núi cho tự kiếm ăn, lâu lâu cho ăn thêm muối để còn tìm về. Việc gây dựng và nuôi đàn dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà không tốn nhiều công chăm sóc.
Hợp với tâm tính của người vùng cao, loài dê còn được bà con coi như một biểu tượng của sự dũng mãnh, chinh phục đỉnh cao, bản năng sinh sản mãnh liệt. Con dê đầu đàn thường là dê đực, cao to và đủ sức chăm sóc tốt cho đàn dê cái sinh sản. Bản năng khiến chúng vô cùng dũng mãnh khi đối đầu với con dê đực khác muốn cạnh tranh vị trí của đầu đàn. Chứng kiến cặp dê đối đầu nhau. Thấy chúng chọi nhau cũng có miếng, có thế. Miếng đòn tiêu biểu là đứng dựng hai chân sau lên trồi bổ cặp sừng cong cứng như thép xuống đầu dối thủ. Vài cú như thế mới đến những cú ghìm sừng, khoá cẳng...
Đầu Xuân, cùng với những lễ hội cúng rừng, cúng đồng ruộng... hội chọi dê mang lại những tiếng cười sảng khoái cho bà con, báo hiệu một năm mới dồi dào, sung túc.
Thu mua dê ở xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Với dịp sát Tết, dê cân hơi có giá 100 – 110 nghìn/kg. Với gia đình có đàn dê vài chục con, tiền bán dê có thể lên tới cả trăm triệu mỗi năm.