Cư dân vùng siêu bão: Lô cốt cộng đồng

Bão Molave năm 2019 rít lên đủ thứ âm thanh như con quái vật. Ðêm đó tôi ngồi trong ngôi nhà của anh Dương Quang Phúc với 40 người dân làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Còn bão Vamco năm 2020, siêu bão Rai 2021…tôi đều ở lại trong những ngôi nhà tạm cùng bà con và lắng nghe nhiều câu chuyện tình người từ làng chài và chính quyền để có thể nhân lên thành mô hình rộng rãi.

Bão vô, chạy qua hàng xóm

Buổi chiều ngày 27/9/2022, tại các làng chài thôn Thanh Thủy, Phước Thiện, An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), người dân chuẩn bị chạy tránh siêu bão Noru và sang nhà hàng xóm để ở lại qua đêm. Tại thôn An Cường, có những địa chỉ quen thuộc mà bà con hay tới tá túc là nhà anh Dương Quang Phúc, Huỳnh Thị Hữu… Vợ chồng anh Phúc chuẩn bị sẵn nước uống, mì tôm, dọn dẹp trước toa lét vì có khi 40 người sẽ chạy tới ở lại trong 1 ngôi nhà. Thượng tá Nguyễn Minh Công, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hải cho biết, người dân ở đây nương tựa giúp đỡ nhau luôn tốt như vậy.

Có một địa phương mà người dân rời bỏ nhà cửa sang ở nhờ hàng xóm rất đông, đó là xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là một làng chài thường bị bão tấn công gây thiệt hại. Bởi địa hình của Nhơn Hải giống như một hòn đảo có gần 4 mặt giáp với biển, nơi này không được công nhận là đảo, bởi vì Nhơn Hải vẫn nối liền với đất liền bằng một dải đất nằm ôm theo vịnh Phương Mai. Du khách từ TP Quy Nhơn muốn sang địa phương này bằng con đường gần nhất thì đi bằng thuyền máy cắt ngang cửa biển và vòng ra phía núi, khu vực hòn Khô.

Có trận bão, mới sáng sớm rời Trạm kiểm soát biên phòng chạy vô xóm, tôi đã gặp chị Phan Thị Lệ Quyên một tay cắp cậu con trai nhỏ, tay kia bê chậu nhựa để sữa, mì tôm và vài vật dụng lặt vặt. Chị cho biết, “nhà báo tới đây nghe chuyện hay lắm, cứ bão là chạy, tốt nhất là cứ đi sâu vào giữa xóm rồi kiếm nhà người quen ở lại qua đêm”. Chị vừa kể chuyện vừa cười và cho biết, chồng mình là anh Nguyễn Đức Chính nếu đi làm xa thì cũng yên tâm vì vợ con ở nhà đã có chỗ trú khi bão ập vô làng chài.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, vợ ngư dân Trần Văn Mân, sau khi bão tan thì hai mẹ con trở về nhà. Nhìn bộ dạng bề ngoài của chị giống như khách du lịch, vì mang theo chiếc ba lô. Chị Thu nở nụ cười kể câu chuyện sang nhà hàng xóm tránh trú bão. Nụ cười của chị khiến tôi hiểu rằng, chị đã có một đêm đi tránh bão ấm áp tình người.

Những thanh niên thức trắng đêm để bảo vệ tài sản và sẵn sàng ứng cứu tại làng chài Lộc Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Văn Chương

Những thanh niên thức trắng đêm để bảo vệ tài sản và sẵn sàng ứng cứu tại làng chài Lộc Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Văn Chương

Trường học nên lưỡng dụng

Sau siêu bão Noru, nhiều trường học ở các địa phương bị tốc mái một phần, hoặc bị bão bốc toàn bộ mái. Những hình ảnh trường học bị thiệt hại nặng như Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Nguyễn Thành Hân, THCS Trần Cao Vân…ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đi qua các địa phương vùng ven biển miền Trung, như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, khi hỏi người dân về việc chạy tránh trú bão thì một số bà con tỏ vẻ lo ngại khi đến các trường học.

Trong cơn bão Vamco đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tối ngày 15/11/2019, tôi dừng tại làng chài Lộc Vĩnh và được bố trí ở cùng bà con tại Trường Tiểu học Bình An nằm ở trung tâm xã. Ngôi trường được xây dựng khang trang 2 tầng, nhưng khi đưa người dân vào tránh trú bão thì các lối lên cầu thang đều đặt rào chắn, vì tầng 2 được đánh giá là không an toàn, chính quyền khuyến cáo người dân là “mái trường rất dễ bị bay, không được lên tầng 2”.

Hàng trăm người dân được đưa vào trường và ngồi kín hết các phòng ở tầng 1 cùng với các thầy cô giáo. Trên các ngả đường, chính quyền và Bộ đội biên phòng phát loa thông báo liên tục, “đề nghị bà con không được ra khỏi nhà, tập trung đến các điểm tránh trú bão trước 15 giờ chiều”. Vì tập trung đến trường sớm, người dân đã nấu sẵn cơm, cá, trứng…mang theo để ăn bữa chiều.

Bữa cơm chiều được người dân mang theo và san sẻ lẫn nhau. Buổi tối là mì tôm được chính quyền địa phương và Bộ đội biên phòng hỗ trợ. Vì chạy tránh bão, dường như không ai ngủ được, mọi người cần có cái ăn trong đêm trắng.

Trong lúc bão đổ bộ, có một thanh niên lẻn lên tầng 2 để “kiểm định” bằng mắt và anh mô tả rằng, gió giật trên mái tôn phát ra âm thanh chói tai cùng với tiếng nhịp ình ình của những thanh đà sắt dập lên dập xuống bờ tường, toàn bộ mảng tôn và giàn sắt có thể bị bốc bay ra khỏi bờ tường bất cứ lúc nào.

Nếu các trường học ven biển được xây dựng theo thiết kế lưỡng dụng, có tính tới việc sử dụng làm điểm tránh trú bão cho cộng đồng khi có tình huống thì ngôi trường sẽ có thêm công năng phục vụ.

Những kinh nghiệm phòng chống bão ở các làng chài miền Trung vẫn cần được phổ biến rộng rãi. Bởi theo chương trình “Nhà an toàn chống chịu bão, lụt”, do chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, tới nay đã xây dựng được 4.100 ngôi nhà chống lũ cho những hộ dân nghèo vùng biển miền Trung. Chương trình này đã khảo sát và công bố vẫn còn 110.000 hộ gia đình ở 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam đang sống trong những ngôi nhà được đánh giá là có tình trạng không an toàn khi có bão

Người trụ lại làng chài

Đi qua các làng chài vào thời điểm bão ập vào những người đàn ông và thanh niên thường trụ lại và chỉ cần có tiếng gọi là họ đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu rồi lao đi hỗ trợ nhau. Tại làng chài Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trong siêu bão Noru vừa qua, anh Nguyễn Văn Toàn và Huỳnh Ngọc Viên đưa gia đình đi tránh bão, còn mình thì trú lại để hỗ trợ bà con, bảo vệ tài sản.

Sáng sớm ngày 28/9, khi vừa gặp đã nghe anh miêu tả: “bão nó hú, nó kêu như quỷ dữ, mình ngồi trong nhà nhưng mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm trùm đầu để lỡ có việc gì thì sẵn sàng chi viện”.

Phần lớn các cơn bão ập vào đất liền trong đêm tối, nhưng bão Molave năm 2019 là cơn bão hiếm hoi tôi được chứng kiến vào ngay giữa buổi sáng. Cả làng chài An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện ra như trong một bộ phim: cây cối ngả nghiêng, đồ đạc thỉnh thoảng bay vù vù. Những người đàn ông cường tráng vẫn can trường chủ động bám trụ giúp dân.

Cư dân vùng siêu bão: Chớp cơ hội trước khoảng lặng

Đi dọc miền Trung và từng ở lại trong những căn nhà tránh bão tập thể với người dân, qua vùng siêu bão Chanchu, Xangsane năm 2006, tâm bão Molave, Vamco năm 2019, bão Conson năm 2021,…...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Chương ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN