Cụ bà VN cao tuổi nhất thế giới: Không thể đo tuổi bằng tóc
Sau mẫu tóc của cụ bà Nguyễn Thị Trù được gửi đến Liên minh Kỷ lục Thế giới giám định, đơn vị này đã yêu cầu gửi thêm thực đơn ăn uống hằng ngày của cụ.
Để có thêm căn cứ xác định tuổi thật của cụ Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, người được đề cử là cụ bà cao tuổi nhất thế giới), Liên minh Kỷ lục Thế giới (trụ sở tại Ấn Độ) đã yêu cầu giám định mẫu tóc của cụ.
Cụ Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893) được đề cử là cụ bà cao tuổi nhất thế giới - Ảnh: Vietkings
Tuy nhiên, theo Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), giám định mẫu tóc chỉ giúp đưa ra những nhận định chung chung về độ tuổi của con người.
Theo FBI, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác tuổi của con người qua mẫu tóc, mà chỉ có thể tìm thấy những dấu hiệu chung về độ tuổi như mẫu tóc của trẻ sơ sinh hay người lớn tuổi hơn. Trong đó, tóc của trẻ em thường mảnh, nhỏ và ít có sự khác biệt hơn khi quan sát bằng kính hiển vi.
Ngày 20.4.2015, trang New Scientist dẫn lại một số thông tin liên quan tới việc giám định tóc của FBI. Theo đó, đây không phải là cách khả quan để giám định tuổi hay kết luận tội phạm trong các vụ án.
New Scientist cho biết, FBI đã thừa nhận những sai lầm trong việc giám định mẫu tóc để điều tra các vụ án vào khoảng năm 1980 đến năm 1999. Do đó, vào năm 2012, FBI đã rà soát lại 2.600 trường hợp có sử dụng mẫu tóc làm bằng chứng, đồng thời thay đổi quan điểm trong việc sử dụng kết quả giám định tóc làm chứng cứ kết tội nghi phạm.
Theo FBI, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác tuổi của con người qua mẫu tóc (Ảnh minh họa)
Theo Washington Post, trong số 268 trường hợp, hơn 95% cho thấy kết quả giám định đã bị “phóng đại” bởi các nhà phân tích. Phán quyết tử hình đã được áp dụng cho 32 trường hợp và 14 trường hợp đã chết ở trong tù dựa trên thông tin thiếu chặt chẽ này. Tuy nhiên, giám định tóc vẫn được xem là một bằng chứng bổ sung, hỗ trợ cho các phán quyết của tòa án.
Georgina Meakin, một nhà khoa học pháp y tại Đại học College London đánh giá: “Việc phân tích mẫu tóc dưới kính hiển vi không mang lại nhiều thông tin”. Ngày nay, người ta thường phân tích DNA của tóc với công nghệ cao hơn, song DNA từ nhân của tế bào chỉ có thể được lấy nếu có cả phần chân tóc.
Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài phương pháp phân tích mẫu tóc, việc giám định tuổi của một người còn có thể được thực hiện thông qua sự phát triển của xương. Tuy nhiên, khi đạt một độ tuổi nhất định, xương không còn phát triển. Trong trường hợp của cụ Trù, các tổ chức kỷ lục đều không chọn phương án giám định xương.
Chia sẻ với Dân Việt vào sáng 14.5, ông Lê Trần Trường An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổng Giám đốc Vietkings cho biết: “Liên minh Kỷ lục Thế giới không có câu trả lời cụ thể về kết quả giám định tóc của cụ Trù, nhưng họ vừa yêu cầu gửi thêm thực đơn ăn uống hằng ngày của cụ”.
Do đó, “kết quả công nhận cụ Trù là cụ bà cao tuổi nhất thế giới đến từ Liên minh Kỷ lục Thế giới có thể sẽ chưa có trong hôm nay mà phải chờ thêm”, ông An nói.
Trước đó, ông An đánh giá, sớm nhất là sáng nay (14.5) hoặc trong tuần này, Liên minh Kỷ lục Thế giới sẽ công nhận cụ Trù là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.
Ngày 9.5, ông Trần Thanh Phương - Thường trực Hội đồng Kỷ lục Việt Nam (bên phải) và ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký Hội Kỷ lục gia Việt Nam (bên trái) đã trao bằng “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam là cụ bà cao tuổi nhất thế giới” do Hiệp hội Kỷ lục Thế giới ghi nhận cho cụ Trù. Ảnh: Vietkings
Ngoài việc đề cử cụ Trù với Liên minh Kỷ lục Thế giới, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đang đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới, để hai tổ chức trên công nhận cụ Trù là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.
Trước đó, lúc 15h ngày 20.4, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) đã chính thức công nhận “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam là cụ bà cao tuổi nhất thế giới”, đó là cụ bà Nguyễn Thị Trù. Cụ cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á” vào tháng 8.2014.