Cụ bà hiến 5.000 lượng vàng: Điều vĩ đại cuối cùng!

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Sự ra đi của bà như là kết thúc một điều vĩ đại cuối cùng chân thành nhất của lịch sử: Điều vĩ đại về niềm tin của những thường dân với nghiệp lớn non sông!

Trong một bài viết kể về ký ức của cụ Hoàng Thị Minh Hồ có chi tiết: Tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí cách mạng cốt cán - ở nhà bà số 48 Hàng Ngang - suốt 33 ngày để soạn thảo ra tuyên ngôn độc lập. Hai vợ chồng bà thay phiên nhau bưng cơm nước lên tầng 2 phục vụ. Một hôm, lúc bà bưng cháo và hoa quả lên cho bác Hồ, định quay gót thì Bác hỏi "Cô tên gì?". Sau khi bà trả lời, Bác lại nói "Cô còn trẻ mà đã có cơ đồ sự nghiệp, có chồng con, tiền bạc. Cô chẳng có gì khổ cả". Nghe vậy bà Hồ khẳng khái nói: "Cháu vẫn có một điều khổ, đó là nỗi nhục mất nước". Bác cười: "Vậy thì kiên trì và nhẫn nại nhé!".

Cụ bà hiến 5.000 lượng vàng: Điều vĩ đại cuối cùng! - 1

Gia đình bà Minh Hồ trong Tuần lễ vàng quyên góp tiền vàng cho cách mạng.

Trong ngàn chuyện về những thường dân vĩ đại của thời nước mất, tôi thấy chi tiết này phần nào lý giải hành động cao cả: Hiến 5.147 lượng vàng cho chính phủ, tức gấp đôi ngân khố quốc gia thời ấy. Có lúc, vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bộ đã phải bán phá giá tơ sợi lụa là, hy sinh sự nghiệp kinh doanh để đủ tiền ủng hộ cho việc giành lại giang sơn gấm vóc. 

Ngân khố quốc gia, rồi quần áo, trang phục của những thành viên chính phủ, kể cả của Bác Hồ - từ họ - những thường dân ấy - may ra.

Sử sách ghi nhận bà Hoàng Thị Minh Hồ là người góp phần rất quan trọng khi gầy dựng sản nghiệp cùng thương gia Trịnh Văn Bô - từ số vốn chỉ 30 ngàn tiền Đông Dương. 

Và, chi tiết lịch sử không thể đổi khác được là hai vợ chồng bà đã cho Chính phủ, theo một nghĩa chân phương nhất, cả cơm áo gạo tiền... trong những ngày lập Quốc. 

Cụ bà hiến 5.000 lượng vàng: Điều vĩ đại cuối cùng! - 2

Cụ bà hiến 5.000 lượng vàng: Điều vĩ đại cuối cùng! - 3

Bà Hoàng Thị Minh Hồ 

Lịch sử, tưởng cao lớn và phức tạp, lại hình thành trên những điều đơn giản. Và sự đơn giản đó chứa chấp những VĨ ĐẠI LẠ THƯỜNG về con người.

Dù, cuộc đời sau đó của gia đình ông bà cũng vất vả và đời thường như bao nhiêu người khác trong xoay vần thời thế. Trong các tiểu tiết, có cả chuyện một ngôi nhà họ cho mượn mà đến gần 50 năm sau, khổ công nhiều lắm mới được trả lại. 

Ông Trịnh Văn Bô đã mất năm 1988 - thọ 74 tuổi. Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giã từ sự yêu thương cuộc sống cách đây 2 ngày, thọ 104 tuổi. 

Vậy là ông - bà, hai nhân vật lẫy lừng của một thời lịch sử đều đã ra đi. 

Với tôi, tôi coi sự ra đi của bà như là kết thúc một điều vĩ đại cuối cùng chân thành nhất của lịch sử: Điều vĩ đại về niềm tin của những thường dân với nghiệp lớn non sông!

Và, trong mọi tượng đài ghi công, có lẽ, lịch sử nên dành một tượng đài dân dã và khiêm nhường nhất để hậu thế giữ được niềm tin - Khi TỔ QUỐC cần... 

Hai ông Tây đi bộ 7.000km, quyên góp tiền cho trẻ em VN

Hai người này đã đi bộ quãng đường 7.000 km qua 19 nước từ châu Âu đến châu Á trong 13 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Văn Tiến Hùng (Pháp luật TP.HCM)
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN