Lưu bài Bỏ lưu bài

Giao cặp gối trái dựa cho vị khách ở Hà Nội, cụ bà nhận về 3 triệu đồng, mừng mừng tủi tủi. Bà mừng vì số tiền nhận được bằng nghề truyền thống, tủi vì tia sáng le lói để hồi sinh lại nghề đến quá muộn nhưng muộn còn hơn không!

Đây là lần đầu tiên gối trái dựa của bà được đưa ra thị trường sau thời gian dài thi thoảng chỉ may thay thế những gối thờ trong đại nội. Ở thị trường này, cái thuận lợi là sản phẩm của bà không bị cạnh tranh vì độc quyền. Tuy nhiên, cái khó nhất là số người biết đến mặt hàng này cũng không hơn cái thuận lợi là mấy.

Cụ bà Công Tôn Nữ Trị Huệ (97 tuổi, ở xã Hương Cần, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), người từng có thời gian phục vụ may vá cho bà Từ Cung hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại), kể lại câu chuyện cách đây ba năm.

Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 2
Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 4

Ở Hương Cần, trở lại với công việc ruộng nương nhưng làm cái nghề bán mặt cho đất bán lưng cho trời không đủ ăn. Gia đình bà phụ thuộc vào chiếc bàn may lạch cạch. Bà may áo dài, một nghề mà bà thành thạo khi còn phục vụ trong cung.

Thời gian này không còn ai nhớ đến gối trái dựa nữa, bà Huệ chỉ tận dụng những mảnh vải còn dư ra từ việc may áo dài để may gối cho đỡ nhớ nghề. Có những ngày bà muốn may một chiếc gối hoàn chỉnh có vải lụa bọc bên ngoài và thêu hoa văn lên đó. Nhưng chả lẽ trong lúc gia đình đang nghèo khó lại bỏ tiền ra mua vải, bông về may gối trái dựa ra để… ngắm.

-“Những ngày tháng này bà có nghĩ sẽ khôi phục lại nghề này không?” - tôi hỏi.

-“Nghĩ rất nhiều, tôi muốn khôi phục lại cái nghề truyền thống của ông cha mình chứ. Đêm nào tôi cũng nghĩ giờ còn mỗi tôi biết may loại gối trái dựa trong đại nội này nhưng tôi tuổi đã cao, không biết nên làm gì để phục hưng lại trong khi mọi người không ai đặt mua” - bà Huệ nói.

-“Tại sao bà không may ra các sản phẩm rồi thử kết nối bày bán ở các gian hàng lưu niệm ở Huế?”.

Bà Huệ chỉ im lặng, chỉ nhìn chiếc gối trái dựa trước mặt…

Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 5

Hỏi vậy nhưng biết việc khôi phục lại một nghề không hề đơn giản nếu chỉ có bàn tay của một bà cụ ở tuổi đại thọ. Bảo vệ nghề ngày xưa nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá của nó. Nhưng việc khôi phục lại phải gắn với nguồn lợi kinh tế. Trong khi chính bà Huệ lúc này cũng bị kiệt quệ bởi gánh nặng cơm áo, mỗi ngày nghĩ đến chuyện ngày mai ăn gì đã tốn quá nhiều năng lượng thì việc tự bỏ tiền ra làm và quảng bá sản phẩm là điều khó xảy ra.

Bà Huệ, một người yêu nghề, còn không dám nghĩ đến thì có ai dám đâm đầu vào học và lưu truyền nghề. Một sản phẩm không ai quan tâm, không có người trẻ nối dõi thì việc khai tử một nghề cũng rất dễ hiểu, vấn đề chỉ còn ở thời gian…

Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 8

Từ một người học trò bất đắc dĩ, cô Liền và con gái ngày nay đã có thể may được chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh. Nhưng theo đánh giá khắt khe của bà Huệ thì con và cháu gái của bà mới được 7, 8 điểm.

“Ban đầu không nghĩ mình sẽ làm nghề này, từ khi thấy mẹ làm nên xắn tay vô làm. Nếu được hướng dẫn thì làm gối này không quá khó nhưng các công đoạn từ may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối đòi hỏi sự tỉ mỉ” - cô Liền nói.

Từ hai học trò đầu tiên, vào năm 2017, bà Huệ có hai học trò mới tìm đến nhà bà xin được học nghề. Gần một tháng, bà đã trao trọn tất cả bí kíp nghề nghiệp, dạy học trò bằng cả tấm lòng và trách nhiệm.

Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 9

Từ ngày có học trò để truyền dạy, bà như vui hơn, khỏe hơn vì đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Hai người học trò của bà thường xuyên liên lạc và cũng chính họ góp phần giúp bà Trí Huệ giới thiệu sản phẩm độc đáo này ra với công chúng gần xa.

Ngày nay, mỗi tháng bình quân bà bán được ba cặp gối trái dựa. Hằng ngày sản phẩm của bà vẫn được cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. “Khi làm vừa thỏa mãn đam mê, vừa có thu nhập thì vui lắm! Dù có thế nào thì tôi vẫn quyết bám theo cái nghề này, vì nó là nghề của ông cha mình để lại” - cô Liền nói.

Còn bà Huệ ở tuổi 97 vẫn quyết tâm truyền dạy nghề lại cho con cháu, những người sẽ thay thế bà viết tiếp lịch sử của nghề gối trái dựa. Bà Huệ có một niềm tin nghề gối trái dựa sẽ ngày càng phát triển, tuy âm thầm nhưng bền bỉ với thời gian.

Cụ bà gần 100 năm lưu giữ nghề may gối cung đình Huế - 11

 

Sự kiện: Nhịp sống 24h
Thứ Ba, ngày 17/09/2019 00:30 AM (GMT+7)
Theo Nguyễn Do - Hoàng Quyên ([Tên nguồn])