Cụ bà 93 tuổi "sành internet nhất VN" qua lời kể của con dâu
Từ việc không biết đọc, biết viết… nhưng nhờ tinh thần hiếu học, cụ Lê Thi được báo nước ngoài dành lời ca ngợi là cụ bà sành Internet nhất ở Việt Nam...
“Cụ già xì tin”
Cụ Thi (SN 1924) sống cùng gia đình người con trai duy nhất tại tổ 11, phố Xa La, phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội. Ở tuổi 93, lưng của cụ đã còng, di chuyển chậm chạp, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Tuy nhiên, không giống các cụ già lớn tuổi khác dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, cụ Thi lại dành nhiều thời gian cho việc vào Google để đọc báo, xem tin tức. Cụ cũng thường xuyên cập nhật Facebook để giữ liên lạc với gia đình, cụ cũng sử dụng thành thạo Skype. Ngoài ra, cụ Thi còn tham gia vào các diễn đàn về văn học và để lại những bình luận trên đó.
Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng da dẻ cụ Lê Thi vẫn rất đẹp.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, về việc được báo chí nước ngoài đưa tin, cụ Thi kể: “Cách đây 6 tháng có một đoàn phóng viên Singapore đến Việt Nam tìm hiểu cuộc sống của người cao tuổi. Có người đã dẫn họ đến gặp tôi. Họ hỏi chuyện và còn chụp ảnh chung với tôi. Bẵng đi một thời gian, mới đây cháu nội gọi điện bảo tôi vào mạng đọc thì mới biết mình được lên báo nước ngoài”.
Cụ Thi kể, cụ sinh ra vào thời điểm xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vì là con gái nên đồng nghĩa với việc cụ Thi không được đến trường, dù có cha là thầy giáo. Thế nhưng niềm đam mê học tập đã khiến cụ không chấp nhận số phận.
“Suốt những năm tháng còn trẻ tôi luôn muốn đấu tranh, gạt bỏ tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Ngày ngày, nhìn thấy bố và anh đọc sách, tôi rất háo hức, nên lén học chữ bằng cách đêm nào cũng trùm chăn đọc trộm những cuốn sách của cha, đốt cành cây rồi viết trên sàn nhà”, cụ Thi chia sẻ.
Năm 84 tuổi, khi đó cụ Thi đang viết một cuốn sách nhưng do bị run tay, nhận thấy khó có thể hoàn thành tác phẩm với bút giấy nên cụ bắt đầu học sử dụng máy tính. Và chỉ mất 2 ngày cụ Thi đã thành thạo cách vào Google, Facebook, Yahoo... trước sự ngạc nhiên của con cháu. Sau đó, cụ tự mình hoàn thiện cuốn tiểu thuyết dài 600 trang.
Thời gian rảnh rỗi là cụ lại vào mạng để đọc báo, lướt web.
Năm 2009, cụ Thi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết. Không chỉ thế, trong cuộc đời của mình, cụ Thi cũng đã vẽ trên 2.000 bức tranh, viết hơn 50 quyển sách cùng nhật ký. Tinh thần ham học hỏi, đam mê hội họa, văn học cùng tài năng hiếm có của cụ Thi đã truyền cảm hứng cho biết bao người. Năm 1997, Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đó là ông Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến thăm, tặng bằng khen và tổ chức triển lãm tranh cho riêng cụ.
Câu chuyện thú vị về cuộc sống số của cụ Thi thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Họ yêu mến và gọi cụ bằng những cái tên như “bà cụ xì tin”.
“Người mẹ hy sinh cả đời vì con cháu”
Kể về gia đình, cụ nhớ lại, trong những năm 1940, tinh thần yêu nước thôi thúc cụ Thi gia nhập mặt trận Việt Minh và kháng chiến chống Mỹ. Đó cũng là nơi cụ gặp chồng mình. Khi ấy cụ cũng đã 28 tuổi nên cả hai tính đến chuyện yên bề gia thất. Thế nhưng, kết hôn được 17 tháng thì chồng cụ hy sinh, khi đó, hai người có với nhau một cậu con trai. Nén nỗi đau mất chồng, cụ dành cả quãng đời còn lại một mình chăm sóc, nuôi dạy con trai. Cụ Thi thường nhắc đến con trai và ba người cháu nội với giọng tự hào, lấp lánh niềm vui, bởi hiện con cháu cụ đều thành đạt.
Trao đổi với PV, bà Đương Thị Chức (71 tuổi, con dâu cụ Lê Thi) kể: “Mẹ chồng tôi là một người luôn sống vì gia đình. Nếu không có mẹ thì chúng tôi không được như ngày hôm nay. Khi vợ chồng tôi mải mê với công việc thì bà một tay chăm sóc cho 3 đứa cháu”.
Cũng theo lời của bà Chức, công việc của vợ chồng bà Chức khá bận bịu, vì thế chuyện gia đình, con cái ăn học đều một tay cụ Thi lo toan. Không những thế, những ngày tháng đó kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên cụ Thi vừa chăm lo các cháu vừa làm đủ việc để kiếm sống, từ làm bánh, bán nước... Dù thế nào, cụ chưa khi nào phàn nàn, than phiền với con dâu.
“Cuộc đời mẹ chồng tôi đã chịu không ít nỗi vất vả, bởi thế, khi về già, tôi luôn ủng hộ tất cả niềm đam mê của mẹ. Từ vẽ tranh tới triển lãm hội họa, hay truy cập Internet, tôi đều ủng hộ, miễn là mẹ vui. Có lần, tôi có một cô bệnh nhân chồng là nhà báo, tôi khoe chuyện mẹ chồng mình biết vẽ tranh, ngay hôm sau vợ chồng cô bệnh nhân đó đến nhà tôi xem. Họ bất ngờ khi những bức tranh cụ vẽ lại có hồn đến thế. Sau đó họ đã giới thiệu những bức tranh đó với họa sĩ Đặng Thị Khuê, bà Khuê khi ấy cũng đang tìm những người không học vẽ tranh mà biết vẽ. Đến năm 1997, mẹ chồng tôi được mở triển lãm tranh”, bà Chức kể.
Bà Chức hiểu mẹ chồng từ chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và những tâm tư gửi vào cuốn tiểu thuyết ngàn trang. “Mẹ chồng tôi từ nhỏ chỉ ăn cơm với tương. Đến khi về già thì ăn cơm với rau, dưa, cà... cụ không thích ăn thịt cá, hầu như ăn chay. Tôi hiểu hết những điều mà mẹ chồng mình muốn. Chúng tôi chỉ mong cụ thật khỏe mạnh, sống lâu với con cháu”, bà Chức tâm sự.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Khoa, tổ trưởng tổ dân phố 11 (Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cũng cảm thấy rất vui khi cụ Lê Thi được lên báo nước ngoài. Tinh thần ham học hỏi, triết lý sống của cụ Lê Thi rất đáng để nhiều người học hỏi”.
Ít ai biết rằng em gái của GS Vũ Văn Mẫu, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của chế độ VNCH, lại từng là...