Cụ bà 86 tuổi bị cả chồng và con bạo hành

Không chỉ bị các con trai bạo hành, bà cụ này còn bị chính người chồng đầu gối tay ấp chửi mắng, đánh đập.

Do không cho cháu nội vay tiền, người bố cũng là con trai của cụ Nguyễn Thị G. (86 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã xông vào phá nát đồ đạc, giường chiếu, nhét chiếc điện thoại vào miệng rồi đẩy mẹ ngã nhào xuống đất khiến bàn tay cụ G. bị rách, máu chảy đầm đìa.

Thấy anh trai thứ 2 đánh mẹ, người con trai thứ 3 ở ngay nhà kế bên lao sang nhưng thay vì can ngăn lại lớn tiếng cổ vũ anh: "Phá hết, đốt hết đi".

Theo cụ G., trước đó cụ cũng từng bị con trai út đánh gãy một ngón tay khiến cụ phải nhập viện. Chẳng những thế, những người con trai còn ép cụ G. phải vào sống trong căn buồng chật hẹp tối om không có điện. Thậm chí khi những người con gái đến can ngăn cũng đều bị những người anh đuổi đánh, cấm cửa.

Đau lòng là không chỉ bị con trai bạo hành mà ngay cả người chồng mấy chục năm "đầu gối tay ấp" cũng thường xuyên uống rượu rồi chửi mắng, đánh đập cụ G..

Câu chuyện không thể tin nổi của cụ Nguyễn Thị G. bị cả chồng và con bạo hành trên đây được đưa ra tại trong buổi tổng kết Dự án phụ nữ và nam giới chung tay phòng chống bạo lực diễn ra sáng ngày 14/9 tại Hà Nội.

Tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Tiến Quyết thuộc Trung tâm Phòng chống bạo hành phụ nữ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, cụ Nguyễn Thị G. là trường hợp lớn tuổi nhất tìm đến Trung tâm kêu cứu vì bị chồng và các con ngược đãi.

Sau khi có sự vào cuộc của Trung tâm, hành vi bạo hành mẹ đẻ của người con trai cụ G. là Nguyễn Văn Thư (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã bị phạt hành chính 200.000 đồng vì gây rối an ninh trật tự công cộng.

Cũng theo ông Quyết, từ năm 2004 đến tháng 6/2012, Trung tâm đã tiếp đón gần 20.000 lượt khách hàng bị bạo lực gia đình, trong đó có những bé gái 5 tuổi đến cầu cứu vì bị xâm hại tình dục.

Thống kê ở Việt Nam cho thấy, gần 60% phụ nữ có gia đình đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 loại hình bạo lực gia đình (thể chất, tình dục hay tình cảm), nhưng chỉ có 1,7- 6,3% tìm kiếm sự giúp đỡ từ một tổ chức nào đó.

Phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình chỉ tìm đến chính quyền như một biện pháp cuối cùng. Một số ông chồng đã dừng hành vi bạo lực với vợ sau khi bị chính quyền nhắc nhở, nhưng có một số lại trở nên hung hăng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN