Cứ 5 người Việt có 1 người rối loạn tâm thần
Theo số liệu của Viện Tâm thần trung ương, tỉ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm 15 - 20% dân số. Theo đó cứ 5 người Việt sẽ có 1 người bị rối loạn tâm thần.
Sáng nay 9/9, trường ĐH Văn Hiến đã kết hợp với Trường Đại học Worcester (Anh Quốc) tổ chức hội thảo khoa học mang tính chất tập huấn kiến thức chuyên đề “Tham vấn và Trị liệu tâm lý” với sự tham dự của các giáo sư tâm lý hàng đầu của thế giới và Việt Nam.
Tham dự chương trình có gần 300 khách mời đại diện cho nhiều bệnh viện, các trường ĐH, trường THPT, các chuyên viên tâm lý trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đây cũng là dịp liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong việc giáo dục, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho nguồn nhân lực trị liệu tâm lý vốn đã rất hạn chế ở nước ta.
Sau buổi hội thảo sáng nay, chương trình sẽ có 3 buổi tập huấn cho các đại biểu với các nội dung như: Những can thiệp liệu pháp nhận thức hành vi trong bệnh tâm thần; Can thiệp gia đình trong bệnh tâm thần; Sự can thiệp sớm trong chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Theo các chuyên gia, đối với người bình thường, trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần
Theo điều tra quốc gia trên 10.000 trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2010 về sức khỏe tâm thần đã cho ra một kết quả đáng báo động. Theo đó, 4,1% em từng nghĩ đến việc tự tử; 27,6% từng cảm thấy rất buồn chán hoặc không có ích; 21,3% từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai…
Cũng theo số liệu của Viện Tâm thần trung ương cách đây 5 năm, tỉ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm 15 - 20% dân số, thậm chí có tài liệu là 22 - 25% dân số. Đối với người bình thường, trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần.
Trong khi đó tại Việt Nam, việc can thiệp điều trị tâm thần và sức khỏe tâm thần mới chỉ chú trọng sử dụng hóa dược mà chưa quan tâm tới phương pháp trị liệu tâm lý. Thực tế đã chứng minh, điều trị tâm lý kết hợp với hóa dược là biện pháp tốt nhất để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và hòa nhập với cuộc sống. Trong đó, trị liệu tâm lý có vai trò quan trọng, giúp người bệnh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh xảy ra.