CSGT vẫn có quyền trưng dụng phương tiện thông tin liên lạc
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, CSGT chỉ thực hiện quyền này theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.
Bộ Công an vừa chính thức công bố Dự thảo thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của CSGT. Đáng chú ý, trong dự thảo thông tư này, CSGT được quyền huy động, trưng dụng phương tiện trong quá trình làm việc.
Cụ thể, trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ trốn, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.
Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.
CSGT Hà Nội xử phạt người vi phạm giao thông. Ảnh: TUYẾN PHAN
Nghiêm cấm lợi dụng việc huy động, trưng dụng phương tiện để nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quá trình điều tra và giải quyết TNGT, CSGT phải ghi nhận dấu vết trên người bị nạn. Việc ghi nhận dấu vết trên thân thể người bị nạn phải được xem xét tỉ mỉ trên quần áo, mũ, nón (mô tả chi tiết trong biên bản, chụp ảnh), có người cùng giới chứng kiến; nếu là nạn nhân nữ khi khám dấu vết thương tích để lại do TNGT ở vùng đầu và tứ chi thì khám dấu vết thương tích bình thường, còn nếu ở vùng nhạy cảm (ngực, bụng hay vùng kín) thì cử cán bộ nữ tham gia khám dấu vết thương tích. Nghiêm cấm lợi dụng việc xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn để xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc sức khỏe của người bị nạn. Nhận định ban đầu về tỉ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn.
Dự thảo thông tư cũng nêu ra một số tình huống cụ thể khi giải quyết, điều tra TNGT. Trong đó, đối với trường hợp người gây TNGT lái xe bỏ chạy, lực lượng CSGT được phân công điều tra, giải quyết vụ TNGTphải nhanh chóng đến hiện trường thu thập các dấu vết, vật chứng tại hiện trường; ghi lời khai của những người biết việc, người bị nạn; hỏi kỹ về đặc điểm người gây tai nạn bỏ chạy; hỏi rõ loại xe, màu sơn, biển số..., đặc biệt là vị trí của những phương tiện, những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy. Đối chiếu, xác định những dấu vết có thể hình thành trong quá trình va chạm. Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết có thể để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, đồng thời thông báo cho các đội, trạm CSGT trên tuyến phối hợp truy bắt.