CSGT TP.HCM ứng phó ra sao khi người dân “đi bão” sau trận Việt Nam - Philippines?
CSGT TP.HCM đã lên kế hoạch ứng phó với việc người dân “đi bão” sau trận Việt Nam - Philippines theo 3 cấp độ.
Người Sài Gòn “đi bão” đêm 2/12.
Sau chiến thắng 2 - 1 trên sân khách, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp đón đội tuyển Philippines trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào 19h30 tối nay (6/12). Với ưu thế đang có, đội tuyển Việt Nam rộng cửa bước tiếp vào trận chung kết tranh huy chương vàng với Malaysia. Và để đảm bảo an toàn giao thông sau trận Việt Nam - Malaysia, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tại TP.HCM đã được huy động 100% trong đêm 6/12.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết, lực lượng CSGT TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia cổ vũ, nhưng cũng sẽ xử lý nghiêm khắc những hành vi gây mất an toàn giao thông, như đua xe, nẹt pô,…
“CSGT sẽ huy động 100% lực lượng, kết hợp cùng các lực lượng khác như công an phường, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự,… để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm như quận 1, 3, 5”, trung tá Huỳnh Trung Phong thông tin về kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông đêm 6/12.
Theo ông Phong, CSGT nhận thấy trong quá trình tham gia cổ vũ, nhiều người dân đã có các hành vi gây mất an toàn giao thông. Chẳng hạn như khi đoàn phương tiện đang tham gia cổ vũ thì bất ngờ dừng lại trên đường gây nguy hiểm cho người đi sau, làm ùn tắc giao thông.
Thêm một hành vi khác mới xuất hiện trong các lần cổ vũ bóng đá ở TP.HCM là đốt pháo sáng. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật và hết sức nguy hiểm. Hành vi này tạo ra sự náo loạn, bất ổn với người đi đường”, ông Phong cảnh báo và mong muốn người dân không đốt pháo sáng như từng xảy ra sau trận đấu hôm 2/12.
Một số cổ động viên quá khích đã đốt pháo sáng ở đường Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM) vào đêm 2/12.
Ngoài các hành vi trên, CSGT cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng xe ba gác gắn máy chở theo hàng chục người hò hét ăn mừng rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số người còn leo trèo, nhảy múa trên nóc xe ôtô, xe tải rất dễ gây ra tai nạn.
“Các lần ra quân trước, khi chúng tôi xử lý những hành vi này thì có nhiều người dân cản trở, xen vào. Trong tối đêm nay, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đó để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân”, ông Phong nhấn mạnh.
Hiện, CSGT TP.HCM đã có kế hoạch ứng phó theo từng cấp độ khác nhau theo kịch bản. Cụ thể:
Ở cấp độ 1: Trong lúc trận đấu diễn ra, CSGT sẽ tuần lưu phát hiện những bất ổn, vật cản trên đường.
Ở cấp độ 2: Khi người dân đổ ra đường, CSGT cùng các lực lượng khác bố trí tại 11 điểm nóng để điều tiết giao thông cho người dân cổ vũ. Khi tình hình trở nên phức tạp, CSGT sẽ thông báo cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM điều chỉnh thời gian xe tải vào trung tâm, dùng hàng rào để cô lập các quạn trung tâm, nắn dòng phương tiện ra các cửa ô và vòng ngoài.
Ở cấp độ 3: Khi tình hình giao thông đã ổn định, CSGT sẽ kiên quyết xử lý các đối tượng quá khích như đua xe, nẹt pô,…
Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông...