CSGT toàn quốc sẽ phạt nặng tài xế "ma men" tái vi phạm
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường xử lý tài xế "ma men" trong suốt năm 2022.
Ngày 14/2, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn".
Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với ngành chức năng kiểm tra ma tuý, nồng độ cồn lái xe trên cao tốc
Được biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Nghị quyết của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về triển khai nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT năm 2022; Bộ Công an ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn".
Theo đó, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT Công an các đơn vị địa phương huy động trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn" trong cả năm 2022.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện (có thể phối hợp lực lượng cảnh sát khác hoặc công an cơ sở) thành lập tổ công tác chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao.
Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị…
CSGT Hà Nội kiểm tra lập biên bản lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn quận Tây Hồ
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá đúng thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác nhằm đưa ra biện pháp quản lý, góp phần kiềm chế, giảm TNGT, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Trường hợp kiểm soát, phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, xác minh, để phát hiện các tình tiết, tài liệu, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng, chất ma túy; ghi nhận lời khai việc sử dụng chất ma túy.
Khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy trong khi điều khiển phương tiện phải tổ chức kiểm tra, xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành GTVT có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Kiểm soát tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã; các tuyến, địa bàn giáp ranh, địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy.
CSGT Hà Nội yêu cầu người điều khiển xe máy vào kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng- Láng Hạ
Tập trung kiểm soát người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Tập trung đối tượng điều khiển xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ô tô kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc,...
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại...
Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân; tuyên truyền những vụ TNGT có nguyên nhân từ sử dụng chất ma túy, rượu bia và chất kích thích khác; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với vi phạm này; tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông.
Kế hoạch này thực hiện từ ngày 1/3 cho đến hết ngày 31/12/2022.
Theo Cục CSGT, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, trong đó nồng độ cồn là vi phạm...
Nguồn: [Link nguồn]