CSGT nói gì sau một tuần "dân nhậu" tái xuất?
Lực lượng CSGT TP HCM đã xử lý trên 180 trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ ngày 28-10 đến ngày 1-11.
Đó là thông tin được Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM cung cấp hôm 3-11, tức 1 tuần sau khi TP HCM cho phép thí điểm bán thức uống có cồn ở TP Thủ Đức và quận 7.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Việc "dân nhậu" tái xuất gây nhiều lo ngại về nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông bởi sau "các cuộc vui", nhiều người say bí tỉ vẫn vô tư điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
CSGT đo nồng độ cồn ngẫu nhiên người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. - Ảnh: Ý LINH
Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong "bình thường mới", trong tuần đầu các quán nhậu tại quận 7 và TP Thủ Đức được hoạt động trở lại, lực lượng CSGT TP đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập các đội kiểm tra hành chính ban đêm để liên tục kiểm tra nồng độ cồn.
Mục đích là kiên quyết xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia vượt mức quy định.
Quy trình đo nồng độ cồn của CSGT TP HCM
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng luôn chú trọng vấn đề đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Cụ thể, theo vị này, CSGT sẽ thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như bắt buộc đeo khẩu trang y tế, đeo găng tay y tế và sát khuẩn tay liên tục khi tiến hành đo nồng độ cồn trong "bình thường mới". Đặc biệt, phải dùng riêng ống thổi dành cho từng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được CSGT yêu cầu kiểm tra.
CSGT cũng sát khuẩn các thiết bị nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Vi phạm nồng độ cồn là lỗi phổ biến sau nới lỏng giãn cách và đang được lực lượng CSGT Hà Nội tăng cường xử lý...
Nguồn: [Link nguồn]