CSGT nhận bao nhiêu tiền là tham nhũng?
"Anh nhận tiền tức là anh có biểu hiện tham nhũng... Không thể nói là ít tiền hay nhiều tiền ở đây" - ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói về chuyện CSGT nhận dăm ba chục, một vài trăm của người vi phạm.
Không quan trọng nhiều hay ít
Kết quả điều tra do Thanh tra Chính phủ và ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện xếp cảnh sát giao thông là một trong bốn đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao nhất. Ông nghĩ gì về đánh giá này?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Đây không phải là đánh giá về mặt nhà nước, cũng không phải đánh giá về xã hội học.
Nó chỉ là đánh giá phi chính phủ mang tính chất tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách hoặc thanh tra, kiểm tra, giám sát mà thôi, không nhất thiết phải đi bình luận nhiều.
Chuyện tham nhũng không chỉ xảy ra trong ngành CSGT, mà bất kỳ lĩnh vực nào (y tế, giáo dục, cấp phép xây dựng, cấp phép thành lập doanh nghiệp...) cũng có. Cứ có kẽ hở là có tham nhũng, có điều là mức độ đến đâu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền
Trong một buổi giao lưu trực tuyến, trả lời báo chí về kết quả điều tra này, một quan chức ngành nói rằng cảnh sát giao thông nhận dăm ba chục, một vài trăm của người vi phạm “chỉ là tiêu cực chứ không phải là tham nhũng”. Quan điểm của ông trước ý kiến này như thế nào?
Tham nhũng không quan trọng nhiều hay ít. Tham nhũng cụ thể như thế nào thì đã được quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng rồi.
Còn hành vi đó nặng hay nhẹ, nhận ít tiền hay nhiều tiền thì chỉ liên quan đến hình thức xử lý mà thôi.
Ví dụ, ít tiền thì anh bị xử lý về mặt kỷ luật cán bộ công chức, nhiều (từ 2 triệu đồng trở lên) thì bị xử lý về mặt hình sự. Chuyện đó rõ như ban ngày rồi.
Theo ông, chuyện nhận dăm ba chục, một vài trăm ấy có thể thông cảm được không khi điều kiện làm việc của lực lượng này rất vất vả, khó khăn?
Không thông cảm được bởi vấn đề không phải là tiền. Khi cảnh sát đã nhận tiền tức là thực thi pháp luật không nghiêm, làm công dân không biết lỗi của mình và còn bản thân người cảnh sát làm tha hóa phẩm chất đạo đức của chính mình.
Anh tạo ra trong mắt người dân về hình ảnh của người thi hành công vụ rất xấu. Những hình ảnh như vậy làm sao xây dựng một nền công vụ trong sạch, minh bạch vì dân được?!
Đây không phải là tiền, đó là sự nghiêm túc của một nền công vụ nhà nước, pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng.
Anh nhận tiền như vậy tức là anh có biểu hiện của tham nhũng. Hậu quả là người dân nhìn vào cán bộ, công chức Nhà nước rất méo mó, mất lòng tin với bộ máy Nhà nước.
Có thể đời sống của rất nhiều cán bộ chiến sĩ cảnh sát khó khăn nhưng đa số giữ được phẩm chất thì tại sao số ít kia không giữ được phẩm chất? Hành vi gì thì hành vi, vẫn có thể bị lên án và cần phải bị xử lý, không thể nói là ít hay nhiều ở đây.
Có ý kiến cho rằng việc CSGT nhận dăm ba chục của dân là tiêu cực chứ chưa thể gọi là tham nhũng (Ảnh minh họa)
Luật chống tham nhũng không phải bảo bối
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2011, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ tháng 8/2010 đến tháng 7/2011, thiệt hại do tham nhũng gây ra lên đến 11.400 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 300 tỷ đồng. Số vụ thanh tra kiểm toán phát hiện tham nhũng nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra xử lý ít. Những con số này phải hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?
Ủy ban Tư pháp đã 2 nhiệm kỳ nay đề nghị Thanh tra phải tách bạch giữa thiệt hại do tham nhũng gây ra và thiệt hại do những vi phạm khác gây ra. Ví dụ, thiệt hại do cố ý làm trái; thiệt hại do lạm quyền; thiệt hại do thiếu tinh thần trách nhiệm... thì không phải là tham nhũng nhưng người ta không tách được nên con số rất lớn.
Con số ấy không chỉ là hành vi tham nhũng mà nó còn rất nhiều hành vi khác. Quá trình thanh tra thì người ta cứ nói là sai phạm và làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng trong sai phạm đó chỉ một phần của tham nhũng thôi, chứ không phải là tất cả.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay là hạn chế mà trong báo cáo Thanh tra cũng đã đề cập. Công tác thu hồi tài sản của mình không quy rõ trách nhiệm. Ngoài ra, khi tham nhũng thì đối tượng tẩu tán dưới mọi hình thức, đứng tên người khác rồi thì làm sao mà thu được.
Về chuyện xử lý tham nhũng không phải là ít. Thanh tra kiểm toán phát hiện được nhiều hành vi tham nhũng, nhưng những hành vi chưa đến mức độ tội phạm thì xử lý theo thẩm quyền. Theo đó, thanh tra có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính, kỷ luật.
Còn khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho các cơ quan điều tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Những vụ thanh tra phát hiện tham nhũng gây thiệt hại rất nhiều, rất nghiêm trọng nhưng chuyển cho cơ quan điều tra xử lý rất ít, chúng tôi cho rằng có dấu hiệu của việc xử lý không nghiêm. Khi chuyển sang hình sự thì phần lớn là cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo thì lại càng không nghiêm.
Là người công tác trong ngành Tư pháp lâu năm, ông có kiến giải gì để có thể chống tham nhũng hiệu quả?
Có 3 yếu tố để chống tham nhũng hiệu quả thì chúng ta vừa thiếu lại vừa yếu. Đó là chưa kiểm soát được tài sản và thu nhập của người kê khai; chưa có cơ quan điều tra về tham nhũng độc lập với thẩm quyền đặc biệt; chưa có Luật công vụ như ở một số nước (để phân định rõ phạm vi quyền hạn, trách nhiệm liên quan).
Còn Luật chống tham nhũng chỉ là luật hình thức. Mọi người cứ coi Luật chống tham nhũng như là bảo bối trong khi thực tế không phải như vậy. Luật chống tham nhũng chỉ nêu ra những biện pháp phòng ngừa để các luật khác thực hiện mà thôi.
Điều quan trọng nhất là kiểm soát tài sản, các cơ chế chính sách không có kẽ hở. Hàng nghìn văn bản cứ tạo ra hàng nghìn kẽ hở thì sẽ tạo ra tham nhũng thôi. Luật chống tham nhũng làm sao bịt được những cái đó.
Có thể trở thành “chỗ dựa” cho tham nhũng càng phát triển "Nếu chỉ nói riêng lẻ nhận năm bảy chục thôi thì nhỏ thật, nhưng nếu cảnh sát giao thông làm việc đó liên tục, nhiều trường hợp liên tục cộng lại, ví dụ nửa giờ có vài trăm mà cộng lại trong một ngày làm việc thì (số tiền) sẽ rất lớn. Trăn trở của tôi chính là ở chỗ này. Một trăm ngàn hay năm chục ngàn (đồng) thì không hẳn là tham nhũng nhưng nếu một ngày cộng lại thì thế nào?" Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội "Cầm của dân không phải năm bảy chục mà dù chỉ một đồng thôi cũng đã là tham nhũng. Nếu nhận thức không đúng về hành vi này sẽ dẫn đến cách xử lý không đúng, và nguy hại hơn, đó có thể trở thành “chỗ dựa” cho tham nhũng càng phát triển". GS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - “Không thể nói phải nhiều lần năm bảy chục hay một trăm mới là tham nhũng, còn một lần thì không. Tất nhiên tham nhũng, có nhiều mức, như trước đây quy định từ 500.000 đồng trở lên (nay quy định từ 2 triệu đồng trở lên) thì mới xử lý hình sự, còn dưới mức đó thì tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý hành chính”. Luật sư Trần Vũ Hải (Theo SGTT) |
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) 2005 vừa được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2012, tại điều 3 xác định: Các hành vi tham nhũng gồm có: 1. Tham ô tài sản; 2. Nhận hối lộ; 3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; 7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; 8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; 9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; 10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi; 11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. |