CSGT khuyên tài xế không gây rối tại trạm BOT
Buổi làm việc giữa CSGT Đồng Nai với các tài xế nhận được thư mời diễn ra trên tinh thần vui vẻ, thoải mái. Không ai bị xử phạt.
“Việc các tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Biên Hòa không vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi nhắc nhở mọi người không nên nghe theo lời xúi giục, kích động của người xấu” - đại diện Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai nói với các tài xế nhận được thư mời tại buổi làm việc sáng 25-10.
Tuyên truyền là chính
Có tất cả 15 người đến làm việc theo giấy mời, tuy nhiên chỉ có bốn người làm việc trực tiếp với cán bộ CSGT. Phía CSGT giải thích 11 người không vào dự buổi làm việc do là chủ xe nhưng lại không trực tiếp lái xe vào thời điểm qua trạm BOT Biên Hòa. Các tài xế cho biết buổi làm việc diễn ra trên tinh thần vui vẻ, thoải mái. Cuối buổi làm việc, CSGT có lập biên bản làm việc nhưng không tài xế nào bị xử phạt.
Sau khi làm việc xong, cán bộ Phòng CSGT đã giao cho các tài xế biên bản làm việc. Biên bản này thể hiện mục đích buổi làm việc là “xác minh, làm rõ hành vi của người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua trạm thu phí đường bộ quốc lộ 1A và đường tránh TP Biên Hòa...”. Tiếp đến, nội dung của biên bản có phần tuyên truyền về trạm thu phí BOT tránh Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1A thực hiện đúng theo chủ trương.
Bên cạnh đó, CSGT tuyên truyền với tài xế về một số quy định pháp luật, như hành vi cố tình dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông có thể bị phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1. Ảnh: Đức Thiện
Tài xế Phạm Kiên, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai, xác nhận trong buổi làm việc cán bộ CSGT chủ yếu phân tích, tuyên truyền về tính pháp lý của trạm BOT, việc dùng tiền mệnh giá thấp mua vé qua trạm sẽ kéo dài thời gian, gây ùn tắc vào giờ cao điểm... tài xế Kiên cũng bày tỏ những bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình về vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý.
“Gia đình tôi có hai chiếc xe và mỗi tháng tôi mất phí qua trạm 4,4 triệu đồng mà không hề đi qua đường tránh Biên Hòa, vậy không bức xúc sao được. Họ bảo chúng tôi không nên nghe theo lời xúi giục, kích động của người xấu sẽ dễ có những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tôi nói rằng không nghe ai xúi giục hay kích động cả mà chỉ do bức xúc và có sẵn tiền lẻ nên khi qua trạm tôi đưa thôi” - ông Kiên giải thích.
Cũng theo tài xế Kiên, ông hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT nhưng phải đặt trạm thu phí đúng vị trí của nó. Bây giờ nhà đầu tư giảm 20% nhưng ông vẫn chưa hài lòng vì mức phí hiện tại đã quá cao.
Tại buổi làm việc chúng tôi tuyên truyền tài xế không nên gây ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài bởi có nhiều xe đã dừng trong làn thu phí để “câu giờ” làm tê liệt quốc lộ 1. Chúng tôi khẳng định việc tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm không vi phạm pháp luật nhưng nhắc nhở họ đừng để kẻ xấu kích động dẫn đến các hành vi làm mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Một lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai |
Nên đặt hai trạm thu phí hai con đường
Tài xế Nguyễn Thành L., ngụ huyện Trảng Bom, cho biết ông mong muốn cơ quan chức năng nên xem xét đặt hai trạm thu phí, có hai mức phí khác nhau để tạo sự khách quan. Cụ thể, nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Biên Hòa hết 1.000 tỉ đồng thì đặt trạm thu phí đầu đường tránh và thu phí 25.000 đồng/xe dưới 12 chỗ. Còn tuyến quốc lộ 1 nhà đầu tư chỉ bỏ 300 tỉ đồng nâng cấp thì thu mức phí 10.000 đồng là hợp lý, thay vì chỉ có một trạm và thu vé mỗi lượt 35.000 đồng như hiện nay. Ai đi đường nào thì nộp phí của đường đó, như vậy sẽ chẳng ai bức xúc cả.
Còn tài xế Huỳnh Phước Minh cho hay tại buổi làm việc cán bộ CSGT giải thích việc dùng tiền lẻ mua vé qua trạm không sai và vị trí đặt trạm BOT là đúng. Vậy là bức xúc lâu nay của người dân đã không được giải đáp thỏa đáng. “Tôi chỉ mong muốn cơ quan chức năng xem xét tận gốc vấn đề, lập hai trạm thu phí khác nhau chứ chỉ giảm phí sẽ chẳng giải quyết được gì” - anh Minh nói.
Trước đó, ngày 20-10, nhiều người dân khu vực quanh trạm thu phí nhận được những giấy tờ tuyên truyền về trạm BOT Biên Hòa từ các cán bộ thôn, ấp. Cụ thể, đây là những tờ giấy khổ lớn, đề “Ban An toàn giao thông huyện Trảng Bom - Thông tin dự án quốc lộ 1 tránh Biên Hòa”. Trong nội dung tuyên truyền là các thông tin về dự án, mục tiêu đầu tư và kèm theo biểu giá thu phí đã được công bố giảm.
Hôm nay, BOT thu phí trở lại Chiều 25-10, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa sẽ thu phí trở lại vào sáng 26-10. “UBND tỉnh mới có cuộc họp rà soát nội dung, thông tin tuyên truyền và thống nhất thời gian thu phí trở lại. UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền đến các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thời gian qua” - ông Liêm nói thêm. Công ty Cổ phần Đồng Thuận, chủ đầu tư dự án BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai), xác nhận từ 9 giờ sáng 26-10 sẽ bắt đầu thu phí với mức phí giảm 20% so với trước. Theo đó, mức thu phí đối với phương tiện thấp nhất là 25.000 đồng/lượt và cao nhất là 140.000 đồng/lượt. |
Lệnh tổng rà soát vị trí các trạm BOT đã được phát đi, nhằm giúp Chính phủ có thêm thông tin, Báo Người Lao Động điểm...