CSGT Hải Phòng từ chối nghe điện thoại khi xử lý vi phạm nồng độ cồn
Các cán bộ, chiến sỹ CSGT từ chối nghe bất kỳ một cuộc điện thoại nào trong quá trình kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Không có cơ chế xin - cho khi xử lý vi phạm nồng độ cồn
Tối 12/10, tại ngã tư Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, các xe tải, xe container, ô tô con tấp nập qua lại.
Tổ công tác của Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hải Phòng đang làm nhiệm vụ tại đây. Khi phát hiện lái xe có dấu hiệu nghi vấn sử dụng rượu, bia, các cán bộ, chiến sỹ trong Tổ công tác đã ra tín hiệu cho xe vào vị trí kiểm tra nồng độ cồn.
Lực lượng CSGT Đội 4 (Phòng CSGT Hải Phòng) kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã tư Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tất cả những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn đều có một động tác quen thuộc là gọi điện thoại cho người quen. Tuy vậy, không một trường hợp nào được linh động giải quyết.
Các cán bộ, chiến sỹ Tổ công tác CSGT từ chối nghe bất kỳ một cuộc điện thoại nào. Kết quả trong đêm 12/10, Đội CSGT số 4 Phòng CSGT TP Hải Phòng đã xử lý 5 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, một trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô đã bị phạt 35 triệu đồng và thu giấy phép lái xe 24 tháng khi nồng độ cồn trong khí thở ở mức cao nhất. 4 trường hợp còn lại là người điều khiển xe máy bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, tạm giữa phương tiện 7 ngày.
"Trong suốt nhiều tháng qua, CSGT Hải Phòng liên tục kiểm tra nồng độ cồn, xử lý rất quyết liệt nên đa phần lái xe được kiểm tra đều không vi phạm nồng độ cồn", Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Một nữ tài xế xe máy được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long cho biết, các chốt kiểm tra nồng độ cồn, ma túy sẽ được lực lượng CSGT kiểm tra vào các khung giờ lái xe hay vi phạm nhất. Hình thức cũng như phương thức kiểm tra cũng liên tục được thay đổi để người vi phạm không biết mà trốn tránh.
"Lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ. Các cán bộ, chiến sĩ CSGT đều phải viết bản cam kết thực hiện đúng quy định, không có cơ chế xin - cho khi đang làm nhiệm vụ hoặc không làm nhiệm vụ. Đồng chí nào vi phạm sẽ bị khiển trách hoặc kỉ luật tùy vào từng mức độ vi phạm", Thiếu tá Long cho hay.
Quá trình thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Hải Phòng.
Anh Bùi Văn Nam ở xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng cho biết: "Dù đang rất vội đón con trai đi học thêm nhưng khi các cán bộ, chiến sĩ CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, tôi luôn sẵn sàng chấp hành, vì thời gian kiểm tra rất nhanh chỉ mất khoảng hơn 1 phút. Việc thường xuyên kiểm tra vi phạm nồng độ cồn sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó kéo giảm TNGT".
Hơn 5.000 tài xế bị xử lý vi phạm nồng độ cồn
Theo thông tin từ Ban ATGT TP. Hải Phòng: Trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT thành phố đã phát hiện xử lý 5.603 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (581 ô tô; 5.020 mô tô; 2 phương tiện khác); phạt tiền hơn 25,6 tỷ đồng; tước GPLX 4.327 trường hợp; tạm giữ 581 ô tô, 5.020 mô tô và 2 phương tiện khác.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe (Ảnh: Công an Hải Phòng)
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm ATGT 2022, lực lượng CSGT, Thanh tra Sở GTVT thành phố tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao; xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, trọng tâm là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như nồng độ cồn, tốc độ, xe quá tải, cơi nới thành thùng xe.
Người đàn ông với hơi thở nồng nặc hơi men vẫn khẳng định mình không hề uống bia, rượu mà chỉ đang mắc bệnh “tăng xông máu” (tăng huyết áp).
Nguồn: [Link nguồn]