CSGT Hà Nội thông tin về 9 bước nộp phạt qua mạng tại nhà từ ngày mai
Bắt đầu từ sáng mai (1/3), CSGT Hà Nội ra quân xử lý vi phạm giao thông bằng hình thức trực tuyến qua mạng. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp người dân không phải đi làm thủ tục mất 4 lần như hiện nay, thay vào đó sẽ ở nhà nộp phạt.
Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC08) cho biết, để xây dựng Chính phủ hướng tới Chính phủ số, xã hội số, giảm giấy tờ công dân; đồng thời phục vụ việc kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, PC08 triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong công tác xử lý vi phạm hành chính và đăng ký quản lý phương tiện trên môi trường mạng.
“Nếu sử dụng dịch vụ này, người dân không cần đến cơ quan chức năng mà có thể thực hiện ở nhà”, Phòng CSGT Hà Nội thông tin.
Để người dân thực hiện được hình thức nộp phạt trên, PC08 Hà Nội vừa thông tin: người vi phạm cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html, sau đó thực hiện các bước theo hướng dẫn.
CSGT và Công an trật tự làm nhiệm vụ, kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông trên đường. Ảnh: Trọng Đảng
Về trình tự nộp phạt trực tuyến qua mạng, PC08 Hà Nội cho biết có 9 bước, bao gồm:
Bước 1: CSGT nhập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm, hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt VPHC, số quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
Bước 2: Các nội dung được trích xuất từ quyết định xử phạt đưa lên Cổng DVCQG bao gồm: số quyết định xử phạt VPHC; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Bước 3: Thông tin về quyết định xử phạt do Cơ quan CSGT cung cấp sẽ được Cổng DVCQG chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
Bước 4: Kho bạc nhà nước (Ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng DVCQG để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng DVCQG.
Bước 5: Bưu điện sẽ kết nối với Cổng DVCQG để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận tại nhà sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 6: Thông qua Cổng DVCQG người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 7: Cổng DVCQG phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ tại nhà do cơ quan CSGT đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về Cục CSGT (C08).
Bước 8: C08 phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về các điểm xử lý vi phạm của Công an địa phương.
Bước 9: Cơ quan CSGT qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng DVCQG để nhận lại
Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC08) cho biết, công tác xử lý VPHC trên lĩnh vực giao thông qua hệ thống Cổng DVCQG đã được PC08 Hà Nội thực hiện từ năm 2020, tuy nhiên mới chỉ ở cấp độ độ 1 và 2.
Giao diện trang chủ để người dân tra cứu thông tin và nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Ở cấp độ này, người vi phạm chỉ dừng ở việc tra các thông tin về lỗi vi phạm, mức tiền nộp phạt, thời gian nộp phạt, nhưng khi nộp phạt, người vi phạm vẫn phải đến trụ sở công an.
Từ thực tế trên, ông Hải cho biết, bắt đầu từ 1/3, CSGT Hà Nội triển khai công tác xử lý VPHC trên lĩnh vực giao thông trên hệ thống Cổng DVCQG ở cấp độ 3 và 4. Ở cấp độ này ông Hải cho biết, CSGT sẽ lập và nhập biên bản VPHC vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm trên Cổng DVCQG, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt VPHC, gửi số quyết định đến cho người vi phạm qua số điện thoại đăng ký. Từ số (mã) quyết định vi phạm này, người vi phạm có thể vào hệ thống tra cứu thông tin, tiến hành nộp phạt trực tuyến tại nhà.
Nguồn: [Link nguồn]
Xuất phát từ thực tế hiện nay, việc "phạt nguội" trong vi phạm giao thông chưa hiệu quả do tình trạng xe mua bán không sang tên, đổi chủ nhiều, chủ xe, lái xe trốn tránh...