CSGT được trưng dụng tài sản trong trường hợp nào?
CSGT chỉ được trưng dụng tài sản trong trường hợp cấp bách như: Truy bắt tội phạm, cấp cứu người bị TNGT, giải cứu người đang bị mắc kẹt, vì mục đích phục vụ nhân dân.
CSGT được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện từ ngày 15/2. Ảnh minh họa
Ngày 15/2, Thông tư 01 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, thông tư này quy định CSGT “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Quy định này gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Chưa đủ cơ sở pháp lý?
Giải đáp liệu việc Thông tư nói trên có “vênh” với các Luật đã có quy định về việc trưng dụng tài sản của người dân, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định đối với tất cả các lực lượng, tất cả các cấp có thẩm quyền, phục vụ cho mục đích dài hơi, gồm cả các tài sản khác chứ không chỉ là phương tiện.
Ví dụ trưng dụng cả tòa nhà lớn để phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia. Còn lực lượng CAND thì thực hiện theo Luật CAND, cụ thể với CSGT là huy động, trưng dụng phương tiện trong trường hợp cấp bách, tức thời để giải quyết sự vụ đột xuất xảy ra, trong những trường hợp cấp bách như: Truy bắt tội phạm, cấp cứu người bị TNGT, giải cứu người đang bị mắc kẹt, vì mục đích phục vụ nhân dân.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, muốn biết Thông tư 01 khả thi hay vượt quá thẩm quyền thì phải xác minh thông tin, xem xét đa chiều từ nhiều bên liên quan. Khi có kết luận về tính pháp lý có hợp hiến, hợp pháp của thông tư mới có thể khẳng định được.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để xác định việc Thông tư 01 của Bộ Công an quy định về trưng dụng tài sản có đúng luật hay không cần phải căn cứ Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 cũng như Luật Công an nhân dân năm 2014. Đến thời điểm này, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đang có hiệu lực nên mọi hoạt động về trưng mua, trưng dụng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật này. Vì thế, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (chủ thể được đề cập đến trong Thông tư 01 của Bộ Công an) khi trưng dụng tài sản cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật mà ở đây chính là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
“Tuy nhiên, Luật này lại không có quy định nào cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được quyền trưng dụng tài sản. Do vậy, việc Thông tư 01 cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được trưng dụng tài sản là chưa đủ cơ sở pháp lý và không có hiệu lực trên thực tế”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Chỉ trưng dụng trong trường hợp cấp bách
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT khẳng định, Điều 15 của Luật Công an nhân dân năm 2014 ghi rất rõ: CSGT có nhiệm vụ, quyền hạn được trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác… và người đang sử dụng phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn thiệt hại cho xã hội đang và chưa xảy ra.
Theo Thiếu tá Công, việc huy động và trưng dụng phương tiện chỉ được thực hiện trong trường hợp cấp thiết, cấp bách như trong trường hợp trưng dụng để cứu người bị TNGT trong những trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà không đủ điều kiện cứu chữa. Nếu trưng dụng phải có quy trình, quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Hoặc quá trình bắt tội phạm truy nã, tội phạm gây án bỏ chạy mà không đủ phương tiện thì CSGT có thể huy động phương tiện của người tham gia giao thông để phục vụ nhiệm vụ đó chứ không phải trưng dụng trong tất cả các trường hợp.
Trưng dụng cả phương tiện và chủ phương tiện
Trước băn khoăn về việc trong trường hợp khẩn cấp cần huy động, trưng dụng phương tiện của người tham gia giao thông thì CSGT xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Công an bằng cách nào, Thiếu tá Công giải thích: Khoản 6, Điều 5 của Thông tư 01 trích dẫn lại Luật Công an nhân dân năm 2014, theo đó phần đuôi có ghi rõ: Mọi việc được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định này có rất nhiều nên không thể diễn giải hết trong thông tư được.
“Trên những cơ sở đó, Thông tư 01 hoàn toàn không vi hiến, trái luật và cũng không phải ra đường CSGT thích làm gì thì làm, thích trưng dụng phương tiện trong mọi trường hợp đều được”, Thiếu tá Công nhấn mạnh và cho biết, Thông tư sẽ được thực hiện trên toàn quốc kể từ ngày 15/2.
Lo ngại của người dân về việc khi CSGT trưng dụng phương tiện có thể bị hỏng hóc, hoặc trưng dụng điện thoại có thể bị lộ dữ liệu cá nhân, Thiếu tá Công nhấn mạnh, trưng dụng ở đây là trưng dụng phương tiện và cả người sử dụng phương tiện.
“Ví như khi anh đang đi trên đường, có người bị TNGT cần đưa đi cấp cứu mà CSGT không đủ điều kiện, phương tiện thì họ có thể yêu cầu anh hỗ trợ dùng phương tiện của mình đưa người bị nạn đi cấp cứu. Hay như khi cần trưng dụng điện thoại thì CSGT có thể nhờ người sử dụng gọi đến số cần thiết. Trong trường hợp nếu chứng minh được CSGT tác động vào làm hư hại, xoá dữ liệu, làm hỏng thiết bị thì cán bộ đó sẽ bị xử lý theo quy định.
Vì sao xử phạt dưới 250.000 đồng không lập biên bản?
Liên quan đến quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm giao thông với mức dưới 250 nghìn đồng thì không cần lập biên bản, Thiếu tá Công cho biết, đây chính là một bước trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để tạo điều kiện cho người dân trong công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông đường bộ, Bộ Công an quy định cho phép thẩm quyền cán bộ, chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường được phép ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không phải lập biên bản vi phạm. Nhưng thay vào đó, sẽ có quyết định xử phạt.
Theo đó, người vi phạm sẽ cầm quyết định xử phạt tại chỗ đó mang đến thẳng Kho bạc Nhà nước nơi gần nhất để nộp phạt thay cho việc phải một bước qua trụ sở công an giải quyết, làm thủ tục, sau khi nộp tại kho bạc, người vi phạm sẽ lấy biên lai đưa cho CSGT để nhận lại giấy tờ bị tạm giữ trước đó rồi tiếp tục lưu thông.
Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong tất cả các trường hợp vi phạm giao thông, CSGT chỉ quyết định xử phạt tại chỗ chứ không trực tiếp thu tiền, mà chủ phương tiện vẫn phải đem quyết định xử phạt đến kho bạc và nộp phạt tại đó.