CSGT được trưng dụng phương tiện: Xung đột pháp lý?

Từ ngày 15/2, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ được phép trưng dụng phương tiện tham gia lưu thông. Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an gây phản ứng từ dư luận. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Thông tư đã xung đột hàng loạt hệ thống pháp luật hiện hành.

CSGT được trưng dụng phương tiện: Xung đột pháp lý? - 1

Quy định Cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng phương tiện đang gây tranh cãi. Ảnh: Như Ý.

Dấu hiệu xâm hại quyền tài sản, bí mật thư tín

Theo nội dung tại Điều 5, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung kiểm tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, lực lượng này có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều này có nghĩa, bất cứ loại phương tiện hay các thiết bị nói trên đều nằm trong diện có nguy cơ bị CSGT trưng dụng bất cứ lúc nào.

Luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là chế định xung đột và trái với hàng loạt hệ thống văn bản pháp lý hiện hành. Trước hết, đó là hành vi có nguy cơ xâm hại quyền sở hữu tài sản của công dân được Bộ luật Dân sự bảo vệ.

Cụ thể, tại Điều 169 – Bảo vệ quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự đã quy định quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật đối với quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

Cũng theo điều luật, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ pháp lý khác, luật sư Vi Văn A (Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: “Việc Thông tư 01 quy định quá nhiều quyền hạn cho CSGT không những xâm hại đến quyền sở hữu tài sản, còn có dấu hiệu xâm phạm đời tư, thư tín”.

Ông A dẫn chứng, theo văn bản này, CSGT được trưng dụng tất cả thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi, tại Khoản 2, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin  riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái pháp luật. Nếu vi phạm nội dung này, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 125 Bộ luật Hình sự (Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác), với mức hình phạt đến 2 năm tù.

CSGT được trưng dụng phương tiện: Xung đột pháp lý? - 2

 Cảnh sát giao thông đang được tập huấn triển khai thông tư 01 ở nhiều nơi. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không phù hợp và thiếu thực tế

Theo phân tích của luật sư Hằng Nga, chế định “trưng dụng tài sản” chỉ có thể áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần thiết, với quy trình pháp lý nghiêm ngặt kể cả về hình thức trưng dụng lẫn chủ thể được phép trưng dụng. “Việc Thông tư 01 cho phép CSGT trưng dụng các phương tiện cá nhân là tự ý nâng quyền cho lực lượng này và không phù hợp với các văn bản luật liên quan” – bà Nga nói.

Luật sư Hằng Nga nói thêm, việc trưng dụng nếu diễn ra phải tiến hành lập biên bản đầy đủ, phản ánh các nội dung như hiện trạng xe, dòng xe, đời xe, các loại thiết bị kèm theo xe (nếu có), rồi người làm chứng, chính quyền địa phương sở tại… Có như vậy, mới có thể đảm bảo quyền lợi của công dân – người bị trưng dụng. Tuy nhiên, điều này quá khó xảy ra trên thực tế, bởi nhiệm vụ chính của CSGT là duy trì, điều tiết các phương tiện tham gia giao thông. Với mật độ tham gia giao thông như hiện nay, việc chống được ùn tắc đã là quá sức với lực lượng này, nói gì đến việc tiến hành lập biên bản theo quy trình, rồi liên hệ người làm chứng, hay chính quyền địa phương khi lập biên bản trưng dụng.

Cứ trái luật là phải bãi bỏ

Luật sư Lê Thiệp (Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định nội dung trên trong Thông tư 01 là trái luật. “Theo nguyên tắc, khi đã có luật điều chỉnh, các văn bản dưới luật, khi cụ thể hóa nhưng trái với nội dung luật đều bị bãi bỏ” – luật sư Thiệp nói.

Để dẫn chứng, luật sư Thiệp đưa ra nội dung cụ thể trong Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Tại Điều 24 (Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản) của đạo luật quy định: Các bộ trưởng Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và chủ tịch UBND cấp tỉnh là những chủ thể có quyền ban hành quyết định trưng dụng tài sản. Đặc biệt, để tránh lạm quyền trong khi thực thi nhiệm vụ, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cũng yêu cầu: “Người có thẩm quyền không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản”.

Như vậy, theo luật sư Thiệp, chúng ta đã có đạo luật điều chỉnh cụ thể, quy định chi tiết các chủ thể được phép ra quyết định trưng dụng tài sản, nay lại có thông tư (dưới luật) cụ thể hoá, song trái với văn bản pháp lý cao hơn. “Điều này có nghĩa, đây là một chế định không có tính khả thi, dấu hiệu trái luật rất rõ ràng và các CSGT sẽ không thể triển khai khi luật không cho phép” – ông Thiệp nói thêm.

Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho hay, các bộ phận chuyên môn đã nắm bắt được nội dung Thông tư 01, đã lắng nghe dư luận khi có ý kiến cho rằng đó là văn bản trái luật. Việc có “tuýt còi” văn bản này hay không, phía Cục Kiểm tra sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng về cả nội dung thông tin lẫn hình thức ban hành văn bản, sau đó sẽ kết luận.

Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản:  Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…

“Sao dễ xâm phạm được?”

Anh Phạm Quốc Dân, Long Biên, Hà Nội cho rằng, lực lượng CSGT trưng dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc để làm gì? Trưng dụng thời gian bao lâu và như thế nào? Anh Dân chưa hiểu về quy trình khi lực lượng CSGT trưng dụng tài sản của người dân. Ngoài ra anh Dân cũng lo ngại về việc kẻ xấu sẽ lợi dụng việc này để giả danh cán bộ CSGT chiếm đoạt tài sản…

Anh Hoàng Minh Quang (38 tuổi, quê Ninh Bình) cho hay: “Tôi là chủ một doanh nghiệp, đầu tư cả chục tỷ đồng vào phương tiện đi lại. Giờ, Thông tư 01 cho phép CSGT có thể trưng dụng. Tôi đặt tình huống, nếu trưng dụng không đúng mục đích, hoặc trong quá trình trưng dụng, vì nhiều lý do khác nhau gây thiệt hại nặng nề cho tài sản của tôi, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn? Chúng tôi lấy cơ sở nào để yêu cầu bồi thường?”.

Đồng tình với ý kiến của anh Quang, không ít chủ phương tiện tỏ ra hoài nghi về tính khách quan, thẩm quyền, chủ thể cũng như quy trình trưng dụng phương tiện. Anh Nguyễn Quý Bảo (35 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) bổ sung: “Tôi làm nghề lái xe cho một doanh nghiệp. Hằng ngày phải đi lại rất nhiều trên các tuyến đường. Nếu cho phép CSGT thích giữ thì giữ, thích dừng thì dừng, thích trưng dụng thì trưng dụng, tôi e rằng sẽ tạo ra sự xáo trộn trong xã hội. Không những không giúp lực lượng này điều tiết giao thông tốt hơn, còn có nguy cơ tạo ra hàng loạt xung đột, thậm chí sẽ gây ùn ứ, ách tắc trên các xa lộ”.

Ở góc độ khác, anh Nguyễn Văn Hân (ở Hà Đông, Hà Nội, hành nghề kinh doanh vận tải) đặt giả thiết những trường hợp xe thuê, xe mượn, khi bị CSGT trưng dụng thì sẽ xử lý thế nào về quy trình, thủ tục pháp lý. Còn việc CSGT sử dụng điện thoại của người dân để liên lạc, việc trả tiền cước phí sẽ tính toán thế nào?

M.Đ - B.T

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thắng - Minh Đức (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN