COVID-19: Kiểm soát chặt người nhập cảnh ngăn biến thể mới lây lan
Các chuyên gia cảnh báo khi biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan nhanh, số ca mắc tăng lên thì nhiều khả năng số ca tử vong sẽ tăng theo
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và bảo đảm công tác y tế dịp Tết nguyên đán 2021. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan...
Lây lan nhanh, mạnh hơn biến thể cũ
Chiều 3-1-2021, nước ta ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19 từ người nhập cảnh được cách ly ngay ở Hà Nội và tỉnh Phú Yên. Việt Nam hiện có 1.494 bệnh nhân (BN). Trong ngày, có thêm 2 BN COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Hiện số khỏi bệnh ở nước ta là 1.339 ca, số tử vong là 35 ca. Theo các chuyên gia y tế, việc Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 đã gây lo ngại trong bối cảnh cận Tết nguyên đán.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (thứ 2 từ phải qua), kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại chốt liên ngành biên giới Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Bảo Thy
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết: "Việc virus biến đổi là chuyện bình thường, với sự biến thể lần này được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng đến nay virus chưa có dấu hiệu gia tăng về độc lực. Thông tin một số nghiên cứu cho thấy chủng virus này biến đổi tại một một số điểm trên đoạn protein, không phải biến đổi lớn và hoàn toàn. Vì vậy, vắc-xin được nghiên cứu, sản xuất tại thời điểm này vẫn là một trong các giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh". PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng việc ghi nhận BN mang biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã được dự đoán từ trước. Thực tế, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn biến đổi theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Chẳng hạn như virus cúm biến đổi hằng năm và đây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng virus cúm mùa.
Theo PGS Trần Đắc Phu, các nghiên cứu về biến thể của SARS-CoV-2 cho thấy chúng có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn biến thể cũ tới 70% nên sẽ khiến cho công tác phòng chống dịch rất khó kiểm soát. Dù chưa có sự đánh giá về độc lực hay là mức độ bệnh trầm trọng hơn từ biến thể này nhưng khi virus lây lan nhanh, số ca mắc tăng lên thì nhiều khả năng số ca tử vong sẽ tăng theo. Nguy hiểm hơn, nếu virus lây sang các nhóm như người già hay nhóm có bệnh nền sẵn thì nguy cơ tử vong cao hơn. Cùng với đó là nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải nếu biến thể mới xâm nhập bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BN mang biến thể mới vừa được Bộ Y tế công bố đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng chủng virus này ra ngoài cộng đồng.
Để hạn chế nguy cơ biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan ra cộng đồng, PGS Trần Đắc Phu lưu ý mối nguy hiện tại của Việt Nam là từ nhập cảnh trái phép, đặc biệt khi người nhập cảnh bị nhiễm virus biến thể của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện, nên vẫn phải kiên trì với chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch", cách ly ngay để tránh lây lan trong cộng đồng.
Thử nghiệm vắc-xin COVID-19 thứ 2 trên người
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận những vấn đề liên quan biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang làm giới khoa học rất lo ngại. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính của virus. Đợt dịch tại Đà Nẵng tháng 7-2020, Việt Nam có phát hiện đột biến gien làm tăng lây nhiễm nhưng không lây lan mạnh như đợt biến chủng này.
Nói về nguy cơ vắc-xin có thể không đáp ứng được khả năng phòng bệnh với biến thể mới của SARS-CoV-2, PGS Trần Đắc Phu cho rằng khi nghiên cứu sản xuất vắc-xin, các nhà sản xuất đã chú ý tới khả năng virus biến thể. Hiện thế giới cũng chưa có phản ứng hoặc đánh giá gì về ảnh hưởng của biến thể virus đến tác dụng của vắc-xin đã tiêm. Tuy nhiên, PGS Trần Đắc Phu đề nghị vẫn phải theo dõi những người đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 bởi việc này cũng chỉ mới diễn ra trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, với cúm, trung bình 6 tháng phải thay đổi chủng vắc-xin một lần để đáp ứng phòng bệnh hiệu quả nhất. Trong thời điểm này, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ sự biến chủng của virus. Hiện hầu hết vắc-xin đều nhắm vào việc ngăn chặn khả năng xâm nhập của SARS-CoV-2 với tế bào thuần chủng.
Theo Bộ Y tế, sau vắc- xin ngừa COVID-19 Nano Covac, thời gian tới, vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm (IVAC; TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nghiên cứu, phát triển cũng sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện. Theo báo cáo của IVAC, trước khi hoàn tất hồ sơ, Covivac đã được nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, đánh giá về an toàn và sinh miễn dịch, cho kết quả tốt. Mẫu vắc-xin Covivac cũng được đánh giá tại Mỹ và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Hiện IVAC đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 Covivac trên người tình nguyện. Trong tuần này, Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế sẽ họp thẩm định hồ sơ, để xem xét đưa ra quyết định cho phép thử nghiệm trên người đối với vắc-xin Covivac. Nếu được chấp thuận, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Trường ĐH Y Hà Nội triển khai nghiên cứu, dự kiến vào cuối tháng 1 này. Quá trình thử nghiệm này sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Vắc-xin sẽ được tiêm thử nghiệm trên nhiều nhóm người tình nguyện, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Dự kiến, liều tiêm cho mỗi đối tượng là 1 mcg, 3 mcg. Vắc-xin ngừa COVID-19 do IVAC nghiên cứu, sản xuất sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, tương tự vắc-xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.
Trước đó, ngày 17-12-2020, Công ty Nanogen và nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y đã thử nghiệm vắc-xin Nano Covax liều 25 mcg và 50 mcg trên 30 người tình nguyện giai đoạn 1. Hiện sức khỏe các tình nguyện viên đều ổn định, không có phản ứng bất thường.
Không có phác đồ điều trị riêng cho BN 1435 Theo Bộ Y tế, mẫu bệnh phẩm mang virus của bệnh nhân 1435 được Viện Pasteur TPHCM phân loại và giải trình tự gien. Kết quả ghi nhận người này nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng virus gây bệnh cho BN 1435 cũng có đột biến D614G - chủng lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng. Nữ bệnh nhân nhiễm chủng virus biến thể này đang được theo dõi viêm phổi và quản lý sát tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amiđan cấp, phổi có tổn thương mờ lan tỏa không đồng nhất. Ngày 3-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, BS Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Phác đồ điều trị riêng cho BN 1435 không có nên chúng tôi vẫn tập trung dùng kháng sinh để điều trị bệnh viêm phổi cũng như điều trị bệnh nền, lấy xét nghiệm. Đến hôm nay, BN có sức khỏe ổn định, không sốt, không ho hay khó thở". D.Thu - C.Linh |
Thắt chặt kiểm soát dịch COVID-19 trên biển Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại một số địa phương ở ĐBSCL, sáng 3-1, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang do đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các đơn vị biên phòng trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nhằm khẩn trương triển khai công tác kiểm soát dịch COVID-19 trên tuyến biển. Tại Đồn Biên phòng Gành Dầu, phía Bắc đảo Phú Quốc, chỉ huy các đơn vị, các trạm, chốt chống dịch báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh, mức độ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh; công tác phối hợp với hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, chính quyền địa phương trong việc triển khai ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển nhằm trốn cách ly... Đại tá Nguyễn Thế Anh yêu cầu các đơn vị cần tập trung triển khai quân số, dựng lều dã chiến tại các bến cảng, khu dân cư, vị trí trọng yếu để khép kín tầm quan sát trên biển; chủ động phối hợp cùng các lực lượng trên biển để tuần tra 22/24 giờ ngoài vùng biển để ngăn chặn người từ bên kia biên giới. "Các đơn vị cần làm tốt công tác vận động quần chúng, kêu gọi người dân, ngư dân, chủ các phương tiện cùng chung tay với bộ đội biên phòng ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, đẩy lùi dịch COVID-19" - đại tá Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh. C.Tuấn |
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều 2/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) khẳng định không...