Container kéo sập dầm cầu: Chủ đầu tư nói gì về thông tin chiều cao thấp hơn thiết kế?
Chủ đầu tư dự án nơi xảy ra vụ xe container kéo sập dầm cầu đã lên tiếng về thông tin chiều cao thấp hơn thiết kế.
Hiện trường xe container kéo sập dầm cầu vượt bộ hành
Ngày 14/11, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc dự án Xa lộ Hà Nội thuộc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – nhà đầu tư cho biết, vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ sự cố tai nạn dầm cầu bộ hành (trước khu du lịch Suối Tiên, quận Thủ Đức) bị xe container kéo sập.
Trước đó, rạng sáng 13/11, xe container do tài xế Phan Quang Hưng (35 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển chở theo thùng hàng loại 40 feet lưu thông trên Quốc lộ 1 hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, khi phương tiện di chuyển đến đường song hành trước khu du lịch Suối Tiên thì xảy ra sự cố va chạm rồi kéo sập 1 nhịp dầm cầu bộ hành.
Ghi nhận cách khu vực thi công khoảng 30m, có biển báo ghi 4,3m, thể hiện giới hạn cao độ của cầu bộ hành.
Thùng container bị dầm cầu đè biến dạng
Một cán bộ Cục đăng kiểm cho biết, chiều cao trung bình một container tối đa khoảng 4,2m, còn tất cả các phương tiện khác chỉ tầm 4m.
Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, qua công tác khám nghiệm cho thấy xe container không bị cơi nới hay độ chế sai với tiêu chuẩn thiết kế của xe.
Theo thông tin phóng viên nắm được, chiếc xe container liên quan đến vụ tai nạn thuộc Công ty TNHH Logistics Nam Khánh, vừa kiểm định hôm 1-10, đạt chuẩn.
Về thông tin chiều cao cầu vượt bộ hành thấp hơn so với thiết kế ông Nam cho biết tĩnh không cầu bộ hành nêu trên theo thiết kế cao 4,75m, đồng bộ với các cầu trên tuyến.
Theo phương án phân luồng giao thông tại đây, nút giao Đại học Quốc gia sau khi thông xe hôm 8/11, ô tô chạy thẳng Quốc lộ 1 sẽ lưu thông ở phần đường phía dưới. Còn trên đường song hành, xe container được phép lưu thông để quay đầu cả 2 phía quận 9 và Thủ Đức.
Ghi nhận của phóng viên, chiều cao của các xe container khi lưu thông trên đường song hành qua khu vực này gần tương đương với độ cao của cầu bộ hành.
Giải thích việc biển báo trước đoạn thi công thông tin 4,3m - thấp hơn độ cao thiết kế đã công bố, ông Nam cho biết theo quy định khi xây dựng, thiết kế như trên sẽ được trừ xuống 50cm. Việc này có thể hiểu tĩnh không thực tế của cầu là 4,25m, còn thông tin ở biển báo ghi 4,3 m là con số đã được làm tròn.
Theo ông Nam, hiện nhà đầu tư đang cử người kiểm tra, đo đạc lại chiều cao thực tế để xác định có khả năng bị sai sót trong công tác đo đạc hay không. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng mặt đường phía dưới được nâng lên, làm thu hẹp chiều cao với cầu hoặc xe container chở quá khổ.
“Rạng sáng 13/11, dầm cầu vừa được lắp xong và đơn vị thi công đang trong quá trình chỉnh sửa thì bị xe container lao đến kéo sập. Thùng hàng container rỗng, có thể khi xe chạy đến đó thùng hàng bị nảy lên vướng vào dầm cầu. Vấn đề tĩnh không có đảm bảo an toàn hay không thì chúng tôi đang kiểm tra, đo đạc lại”, ông Nam thông tin.
Sẽ có 10 cầu đi bộ băng ngang xa lộ Hà Nội được xây dựng.
Nguồn: [Link nguồn]