Công trình nước sạch đắp chiếu, dân khát nước
Hàng ngàn hộ dân ở 2 thôn Trung Thôn và Biểu Lệ (xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang phải sử dụng nước nhiễm phèn, trong khi công trình nước sạch vừa khánh thành đã bị bỏ hoang từ 6 năm nay...
Nước nhiễm phèn nặng
Về 2 thôn Trung Thôn và Biểu Lệ, nói đến chuyện nước sinh hoạt, ai cũng ngán ngẩm. Ông Lê Hồng Quân - Trưởng thôn Trung Thôn cho biết, hiện hơn 1.000 hộ dân ở 2 thôn này vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn, trong khi công trình nước sạch khánh thành chưa kịp sử dụng đã bị bỏ hoang 6 năm nay.
Theo ông Quân, hầu hết người dân ở đây đều phải xây bể hứng nước mưa dùng để nấu cơm ăn, nước uống. Nhà nào không dùng bể hứng nước mưa thì phải lọc qua bể chứa cát, sau đó đun sôi rồi lọc lại một lần qua bình lọc mới sử dụng được. Đến mùa khô, nước mưa trong bể cũng hết nên bà con phải mua từng can nước sạch từ các xã khác hoặc những thuyền buôn nước ngọt trên sông Gianh với giá từ 70-120 nghìn đồng/m3.
Cũng theo ông Quân, các hộ nơi đây đều đào giếng sâu hơn 10m nhưng nước vẫn nhiễm phèn nặng, màu vàng khè; đào sâu hơn chút nữa thì lại bị nhiễm mặn không dùng được. Cũng không thể đào sâu hơn vì càng đào xuống sâu hơn thì nước có hiện tượng nhiễm mặn. Người dân ở đây cho biết, nước giếng ở đây chủ yếu chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ nhưng khi áo quần khô vẫn còn mùi chua khó chịu và hoen ố hết. “Không có nước sạch vẫn phải cắn răng dùng nước phèn rứa thôi, ngày mô da dẻ cũng được đắp một lớp phèn ri, nỏ biết khi mô phát bệnh nữa” - chị Nguyễn Thị Minh (thôn Biểu Lệ) than thở.
Để có nước sạch sử dụng, hàng ngày chị Nguyễn Thị Minh (thôn Biểu Lệ) phải lọc qua nhiều công đoạn.
Công trình nước sạch “đắp chiếu”
Về công trình nước sạch bị bỏ hoang, Trưởng thôn Lê Hồng Quân cho biết, năm 2002, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình đầu tư công trình nước sạch hơn 2 tỷ đồng phục vụ nhu cầu người dân nơi đây. Theo thiết kế, nước được bơm từ 3 giếng khoan lên bể lọc, sau đó đẩy lên bể chứa nước được đặt đầu nguồn thôn Biểu Lệ. Từ đây nước sẽ được đưa về bằng các đường ống chính theo trục xương cá. Người dân chịu chi phí mua đồng hồ, dây ống... kéo nước từ trục chính về nhà.
Ông Được cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng công trình, nếu đúng tiêu chuẩn thì sẽ khôi phục lại các hạng mục đã hư hỏng để người dân sử dụng”.
Đến năm 2006 công trình được thi công xong và bàn giao cho chính quyền xã. Người dân vui mừng vì sau bao năm giờ đã có nước sạch để dùng. Người dân đã mua ống, mua đồng hồ để kéo nước về; người gần trục ống chính mất vài trăm ngàn, người xa lên đến tiền triệu. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, chỉ được một thời gian ngắn ống nước tịt hẳn, công trình “đắp chiếu” lau lách, rêu phong mọc xanh rì từ đó. Ông Quân cho biết, thôn đã nhiều lần phản ánh lên trên, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã về làm việc, tuy nhiên mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi công trình hoàn thành năm 2006, đơn vị đã bàn giao cho xã quản lý. Tuy nhiên sau một thời gian công trình không phát huy tác dụng, tỉnh đã lập đoàn kiểm tra và kết luận: "Do nhu cầu sử dụng nước của người dân trong xã chưa cao, thu nhập của người dân còn thấp, mật độ dân thưa nên gặp nhiều khó khăn, ý thức thực hiện cam kết về nộp tiền đóng góp chưa cao, chất lượng công trình, công tác bảo vệ, bảo quản chưa tốt… Về phía đơn vị cũng đã thực hiện lấy mẫu nước đưa đi kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu cho phép”.