Công thư 1958 không công nhận Hoàng Sa thuộc TQ

“Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập tới vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và không đề cập tới hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Công thư chỉ ghi nhận việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý.”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói.

Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền

Bằng việc viện dẫn sai lệch Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.

Trong cuộc họp báo chiều 23/5 của Bộ Ngoại giao về vấn đề Biển Đông , Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, khẳng định, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập tới vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và không đề cập tới hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Công thư chỉ ghi nhận việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý.

Ông Hải nhấn mạnh việc công thư của cố Thủ tướng không đề cập tới hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với thực tế lúc đó là hai quần đảo thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế năm 1956 và phù hợp với hiệp định Geneve năm 1954 mà các bên tham gia tôn trọng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó Trung Quốc tham gia và biết rất rõ điều này. Theo hiệp định này, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp quản chủ quyền quản lý với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc.

Ông Hải cho biết, theo luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực của một quốc gia đối với một nơi có chủ quyền không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa. “Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền đối với vùng lãnh thổ”, ông Hải nói.

Công thư 1958 không công nhận Hoàng Sa thuộc TQ - 1

Toàn cảnh họp báo chiều 23/5 của Bộ Ngoại giao về vấn đề Biển Đông

Theo ông Hải, gần đây Trung Quốc nói rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc và là khu vực không có tranh chấp đã đi ngược lại chính quan điểm của các lãnh đạo Trung Quốc. Năm 1975, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và sẽ tìm biện pháp giải quyết. Ý kiến của Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã được ghi lại trong văn bản của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đăng trên Nhân dân Nhật Báo. Năm 1958, Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc nên hiểu rất rõ vấn đề này và Trung Quốc không nên nói và làm ngược với ý kiến của lãnh đạo cấp cao của họ.

Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết tất cả hoạt động dầu khí của Việt Nam đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nằm trong 200 hải lý thềm lục địa và được thế giới công nhận.

Ông Hậu cho biết, từ 1973-1974, chính quyền Việt Nam đã ký với công ty Hoa Kỳ khảo sát bắc Miền Trung, gồm cả Hoàng Sa. Sau 1975, Việt Nam đã triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh hải, gồm cả khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Từ 1986, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn công ước quốc tế về luật biển 1982, việc thăm dò khai thác dầu khí chỉ thực hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đến nay có 86 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực. Việt Nam đã khảo sát và khoan trên 900 giếng dầu khí, đã có trên 30 mỏ đang được khai thác.

Một số câu hỏi tại cuộc họp báo:

PV Tiền Phong: Những ngày vừa qua, mạng xã hội đưa nhiều thông tin Trung Quốc tập trung, đưa vũ khí, quân đội đến gần Biên giới. Việt Nam có thông tin này không và có chuẩn bị gì không?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương ở biên giới Việt Trung vẫn diễn ra bình thường và chúng tôi chưa có thông tin nào liên quan tới việc điều quân. Đó là thông tin không chính xác. Tôi cũng xin khẳng định trong cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao vừa rồi, hai bên nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.

PV Dân trí: Từ đầu tháng 5 tới nay, có 20 cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và TQ về vấn đề giàn khoan. Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam không đánh đổi chủ quyền để đánh đổi tình hữu nghị viển vông. Đây có phải là thời điểm đến sự giới hạn của Việt Nam hay không?

Ông Trần Duy Hải: Trước hết xin khẳng định vấn đề lãnh thổ hết sức thiêng liêng với Việt Nam, không gì có thể đánh đổi được. Như các bạn đã biết, vàng rất là quý nhưng tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.

(Cả hội trường vỗ tay sau câu trả lời này của ông Hải).

PV Tuổi Trẻ:  Gần đây báo Nước Nga ngày nay có bài báo đề cập nhiều đến Việt Nam mà cá nhân tôi đánh giá là không khách quan. Xin cho biết quan điểm.

Trung Quốc đã đưa công nhân về nước và nói an ninh của Việt Nam không được đảm bảo.

Ông Lê Hải Bình: Đây là một bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức phiến diện và sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử cũng như những diễn biến hiện nay. Tôi rất lấy làm tiếc khi một tờ báo như RIA-Novosti lại cho đăng tải bài báo như vậy. Theo như thông tin từ đại sứ quán Nga, đây chỉ là ý kiến cá nhân của phóng viên đó.

Về câu hỏi thứ hai, những vụ việc vừa qua tại các địa phương là rất đáng tiếc, và trong thời gian qua tình hình an ninh xã hội và sản xuất kinh doanh tại các địa phương đã bình thường. Hầu hết doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất kinh doanh. Chính phủ khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, mọi quyền lợi chính đáng hợp pháp của các cơ quan, DN và người nước ngoài tại VN, đảm bảo không tái diễn sự cố đáng tiếc như những ngày qua. Các DN nước ngoài đều đánh giá cao những nỗ lực của VN trong những ngày qua.

Phó Đại sứ Australia: Giàn khoan của TQ hoạt động được 3 tuần. Việt Nam có bằng chứng chứng minh TQ đã tiến hành các hoạt động thăm dò chưa?

Ông Đỗ Văn Hậu: Câu hỏi này khó trả lời. Nếu theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị để tiến hành khoan bình thường thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan. Tuy nhiên, Việt Nam không tiếp cận được giàn khoan nên không có thông tin chính xác giàn khoan 981 đã tiến hành khoan hay chưa.

PV báo Infonet: Những ngày qua, một số thông tin cho biết một số công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào TQ bị phía TQ bắt buộc phải ký vào bản đồ công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Xin cho thông tin về việc này.

Ông Lê Hải Bình: Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin như bạn đề cập nhưng chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam xác minh vấn đề này. Nếu có sẽ xử lý theo đúng luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận giữa hai bên.

PV VNExpress: Hiện nay chúng ta đang kiên trì biện pháp hòa bình nhưng sắp tới nếu Trung Quốc không có động thái tích cực, Việt Nam có biện pháp nào mạnh mẽ hơn hay không?

Có ý kiến sau khi rút giàn khoan, Trung Quốc sẽ đánh dấu khu vực này dạng giới hạn. Việt Nam đã chuẩn bị cho tình huống này hay chưa?

Ông Trần Duy Hải: Về câu hỏi này, biện pháp nào hơn nữa  thì Thủ tướng của chúng ta cũng trả lời ở Phillippines, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình. Dĩ nhiên chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng nếu chúng ta là nạn nhân chúng ta cũng phải tự vệ. Chúng ta phải sẵn sàng bằng mọi biện pháp.

Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:

"Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".

Chinhphu.vn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN