Công phu nghề săn “chiến binh hai sừng”
Để có được những “chiến binh hai sừng” dũng mãnh, người săn trâu chọi nổi tiếng miền Bắc đã đi cả nước ngoài để tìm kiếm, rồi ăn ngủ, tập thể dục cùng trâu.
Là gương mặt quen thuộc ở nhiều hội chọi trâu cả nước, anh Trịnh Quang Tuyên (37 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) được giới sành chơi mệnh danh là người săn trâu chọi giỏi nhất nhì đất Bắc. Đến với Hội chọi trâu Báo NTNN – Phú Sơn, Bắc Ninh 2015, anh Tuyên chia sẻ những bí quyết trong nghề chơi đầy công phu này.
Đi nước ngoài tìm ngưu chiến
Sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề lái trâu, anh Trịnh Quang Tuyên thừa hưởng đôi mắt tinh tường, cùng kinh nghiệm chọn trâu của bố và ông nội để lại. Năm 20 tuổi, một lần được xem hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hài Phòng), anh cảm thấy say mê với những miếng đòn dũng mãnh, hiểm hóc của các “ngưu thủ”.
Nhiều năm sau đó, anh đi khắp các sới chọi từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho đến Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang), Hà Giang để học hỏi kinh nghiệm của các chủ trâu chọi.
Mãi đến năm 2007, anh mới tuyển được một chú trâu ưng ý từ vùng Bảo Hà (Lào Cai). Sau 3 năm chăm sóc cẩn thận, năm 2010, lần đầu đi thi đấu, chú trâu đã giành giải nhất cuộc thi chọi trâu ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Niềm đam mê càng có thêm động lực, anh Tuyên sang tận Thượng Hải, Trung Quốc lùng mua được một chú trâu gốc Myanmar sừng to, thân hình rắn chắc. Chú trâu này cũng đoạt chức vô địch ở Hà Giang. Từ đó anh Tuyên quyết định chuyển hẳn sang nghề huấn luyện, mua bán trâu chọi.
Từ đó đến nay, cứ sau mỗi mùa chọi trâu, anh lại tất tả đi khắp mọi miền đất nước để săn tìm “ngưu chiến”. “Tìm trâu chọi giỏi có khi còn khó hơn tìm vàng. Mấy tháng trời đi khắp Tây Nguyên, xuống Kiên Giang, Long An rồi sang tận Campuchia... tôi chỉ tìm được 1, 2 con ưng ý, nài nỉ mãi chủ trâu mới đồng ý bán”, anh Tuyên chia sẻ.
Theo người săn trâu chọi nổi tiếng này thì trâu ở vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, trâu chăn thả cả đàn, có sức khỏe tốt và rất lì đòn. Với kinh nghiệm gần 10 năm huấn luyện trâu chọi, anh Tuyên cho rằng tiêu chí để chọn trâu phải đủ tuổi từ 10 đến 15 năm, có đôi sừng to khỏe, hai đầu chân sừng sát nhau.
Tiếp đến là cặp mắt, trâu mắt nhỏ, đỏ ngầu lông mi dày luôn can trường, lì lợm. Bốn chân trâu chắc chắn, đuôi chai, lông rậm, da dày... Quan trọng hơn cả đó là khí chất của “ngưu chiến” . “Đi đầu đàn, hung hăng, sẵn sàng nghênh chiến với trâu đàn khác là loại ưu tiên tuyển đầu tiên”, anh Tuyên đúc rút kinh nghiệm.
Ăn, ngủ, tập thể dục cùng trâu
Tuyển được trâu tài đã khó, huấn luyện trâu thành một “chiến binh” thực thụ lại càng khó hơn. Anh Tuyên cho hay, chuyện ăn uống của “ngưu ông” được người nuôi đặc biệt chú trọng, khẩu phần ăn trong thời gian vỗ béo rất nghiêm ngặt. Thời gian vỗ béo trâu từ tháng 3 đến tháng 8, khẩu phần ăn gồm cỏ non, mía, ngô, cám gạo được điều tiết phù hợp sao cho trâu không béo quá nhanh.
Khu chuồng nhà anh Tuyên thường xuyên nuôi khoảng 40 chú trâu, mỗi sáng thức dậy, anh đều phải kiểm tra phân trâu, sờ mũi từng con một. Phân lỏng, đổi màu thì phải điều chỉnh thức ăn. Mũi trâu khô thì sức khỏe đang xuống cần bổ sung thêm chất đạm, tinh bột.
Khi trâu khỏe mạnh thì chuyển sang phần rèn luyện thể lực và làm quen với trống cờ nơi trường đấu. Trước hội thi từ 3-4 tháng, dù mưa rét hay nắng nóng, anh Tuyên đều dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập thể dục cùng trâu. Khi thì người kéo trâu chạy nhanh liên tục để luyện cơ bắp, lúc lại cùng nhau lội bùn lầy để luyện cặp vó bám đất chắc chắn hay bài tập kéo xe nặng 5 tạ.
Cứ thế, các bài tập luân chuyển liên tục. Ngoài ra, hằng ngày còn phải tập cho trâu quen với không khí trường đấu bằng cách khua chiêng, đánh trống, phất cờ ngay cạnh chúng.
“Những khi trái gió trở trời, trâu ốm, người cũng mất ăn, mất ngủ. Ngày nào không nhìn thấy con trâu mình yêu quý nhất, tôi lại thấp thỏm không yên”, anh Tuyên chia sẻ.
Theo anh Tuyên, trước trận đấu, nên đưa các “ngưu ông” đến trước khoảng 10 ngày để ổn định tâm lý, làm quen sân bãi. Trong quá trình nuôi, tuyệt đối không để trâu cái bén bảng đến gần chuồng, hạn chế trâu tiếp xúc với con đực khác.