Cống nhỏ, hồ bị lấp, Hà Nội ngập
Hàng chục tuyến phố Hà Nội ngập sâu 50-60cm sau cơn mưa lớn hôm 22/5 cho thấy hệ thống thoát nước của Thành phố hoạt động chưa hiệu quả so với số tiền khổng lồ đã bỏ ra để đầu tư.
Cống quá nhỏ
PGS.TS Dương Thanh Lượng, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Thủy Lợi, Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, cho biết, một trong các vấn đề bất cập của Hà Nội là mạng cống thoát nước đường phố không đáp ứng lưu lượng nước chảy.
Trạm bơm Yên Sở được nâng cấp cách đây không lâu đủ khả năng thoát nước cho khu vực Hà Nội cũ (khi chưa mở rộng) với lượng mưa 310mm trong 2 ngày. Ngoài ra, 4 con sông với mực nước thấp có thể giúp tiêu thoát nước. Tuy nhiên, hệ thống cống lại quá nhỏ, độ dốc thấp, hay bị tắc do rác, cát nên khả năng thoát nước kém.
"Đôi khi ta chứng kiến một con đường gần hồ điều tiết nước bị ngập sâu dù mực nước dưới hồ rất thấp. Cũng có khi cả đường lẫn cống đều bé tý, toàn bộ nước thải của các hộ dân xung quanh đổ vào. Vậy là mưa vừa trút xuống một lúc đã ngập hết", ông Lượng lấy ví dụ.
Trận mưa lớn kéo dài 3 tiếng hôm 22/5 khiến hàng chục tuyến phố Hà Nội bị ngập
TS Lượng cho rằng, để tránh úng ngập cục bộ cần đầu tư cải tạo lại hệ thống cống thoát nước trong nội thành, mở rộng tiết diện để tăng lưu lượng dòng chảy. Ngoài ra, cần tăng thêm các đầu mối hệ thống cống chính đổ ra các con sông.
Chặn nước chảy vào hồ vì sợ cá trôi mất?
PGS.TS Trần Đức Hạ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, chủ nhiệm bộ môn cấp thoát nước - Đại học Xây Dựng cho biết, Hà Nội có một số hồ lớn như Thiền Quang, Bảy Mẫu, Định Công... và hầu hết các hồ nhỏ tham gia điều tiết nước mưa. Nhưng thay vì để cơ quan cấp thoát nước quản lý thì hiện nay có nhiều đơn vị khác cùng tham gia.
Ông Hạ lấy ví dụ: "Hồ Thành Công, Giảng Võ, công ty cấp thoát nước chỉ được quản lý về mực nước, còn khai thác mặt nước lại để cho các công ty thủy sản quản lý. Trước mùa mưa đến, công ty cấp thoát nước hạ mực nước xuống để nước trên đường chảy vào thì phía khai thác thủy sản lại sợ cá trôi đi mất. Cá thực ra không được bao nhiêu, nhưng lợi bất cập hại".
TS Hạ cũng chia sẻ quan điểm với TS Lượng về hệ thống cống thoát nước của Hà Nội: "Quy hoạch chỉ mang tính tình thế cho nên nhiều khi không có sự tính toán cụ thể. Chẳng hạn, cống lắp sau phải lớn hay bé hơn so với cống trước tỷ lệ là bao nhiêu?
Đặc biệt, đường sá, cống rãnh trong thành phố luôn luôn thay đổi. Cứ lần cải tạo sau lại cao hơn lần trước, khiến dòng chảy của nước thải bị thay đổi, thậm chí chảy ngược lại. Bên cạnh đó, việc xây dựng quá nhiều càng khiến cống bị tắc bởi đất cát, rác thải.
Nhiều khu đô thị mới, hệ thống cấp thoát nước lại do ban quản lý trong khu đô thị quản lý chứ không phải do công ty cấp thoát nước quản lý. Chúng ta không kiểm soát được liệu khi xây dựng hệ thống thoát nước, chủ đầu tư có thực hiện đúng độ lớn, bé, cao, thấp hay không", ông Hạ băn khoăn.
Sông hồ giảm quá nửa
Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng (Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam), chỉ trong vòng 10 năm (1986-1996), diện tích sông hồ tại Hà Nội đã giảm 64%. Trong khi đó, quy hoạch Hà Nội vẫn chưa chú trọng giải quyết vấn đề cấp thoát nước tại khu vực đô thị cũ, trong khi hệ thống ở đây rất kém.
Ông Đăng cho rằng, việc thi công xây bờ kè các con sông dẫn nước, hồ chứa nước chưa đúng kỹ thuật khi để độ dốc tới 45 độ khiến thể tích sông hồ bị giảm. Đó là chưa kể đến việc cống hóa một số con sông, chẳng hạn như sông Sét hay đoạn sông chảy từ phía cầu Mọc kéo sang Thái Hà.
"Thành phố cần mở rộng diện tích đất có cây xanh để thấm nước mưa, tăng diện tích lẫn thể tích ao hồ. Cụ thể là đào thật sâu ao hồ hiện có để chứa được nhiều nước hơn. Ngoài ra, cần xây lại kè hồ và sông theo hướng thẳng đứng hoặc chỉ hơi vát", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đề xuất.
Ông Đăng cũng mong muốn "Hà Nội đánh giá lại hiệu quả toàn bộ dự án cấp thoát nước cả hai giai đoạn”.
Dự án thoát nước Hà Nội có tổng số vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD với diện tích hơn 240 ha trải dài trên địa bàn 9 quận, huyện. Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2005 với kinh phí 180 triệu USD, giai đoạn 2 đang tiến hành với số vốn đầu tư 370 triệu USD. |