Công nhân vận hành metro thành... xe ôm vì dự án Cát Linh – Hà Đông trễ hẹn
Nhiều công nhân vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gọi đến đường dây nóng báo Tiền Phong phản ánh, họ bị dừng hợp đồng. Gặp khó khăn, nhiều người phải chạy Grab để kiếm tiền tiêu Tết.
Phản ánh đến Báo Tiền Phong, một số công nhân thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) – đơn vị được thành lập để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông và các tuyến metro cho hay, họ đã bị dừng hợp đồng lao động vào ngày 15/12/2019 vừa qua, ngay trước thềm Tết Nguyên đán.
“Lương hàng tháng chỉ 4,5 triệu đồng. Trước khi dừng hợp đồng, công ty thưởng Tết 300.000 đồng – 500.000 đồng. Hiện tôi và rất nhiều anh em phải chạy Grab để kiếm sống và tiền tiêu Tết” – một công nhân cho hay. Công nhân này cho biết, điều anh lo nhất là không biết khi nào được ký lại hợp đồng, tương lai nghề nghiệp ra sao.
Thông báo dừng hợp đồng
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hanoi Metro xác nhận có việc dừng hợp đồng lao động với công nhân vận hành, không chỉ một vài công nhân mà toàn bộ 681 công nhân vận hành dự án Cát Linh – Hà Đông từ ngày 15/12/2019 vừa qua. Nguyên nhân cụ thể là thời hạn hợp đồng ngắn hạn với công nhân đã hết, nguyên nhân bản chất là dự án Cát Linh – Hà Đông không hoạt động theo kế hoạch và ngân sách thành phố chưa cấp thêm. “Các hợp đồng với công nhân vừa qua là hợp đồng phục vụ công việc vận hành thử nghiệm. Theo kế hoạch đến khi hết hợp đồng vận hành thử (15/12/2019), dự án sẽ khai thác thương mại và chúng tôi sẽ ký hợp đồng chính thức với công nhân. Nhưng dự án trễ hẹn nên không thực hiện được theo kế hoạch”.
Vị này cho hay, công ty biết việc cán bộ công nhân đang có đời sống khó khăn, nhiều người phải chạy Grab kiếm sống. “Công ty đã tập hợp công nhân để động viên, ổn định tư tưởng. Chúng tôi đã có báo cáo đến UBND thành phố cấp kinh phí để có thể ký hợp đồng trả lương cho công nhân. Khi có kinh phí, chúng tôi sẽ ký lại hợp đồng ngay với các công nhân” – đại diện Hanoi Metro nói.
Dự án vẫn mịt mờ ngày về đích
Hanoi Metro hiện có 681 cán bộ, nhân viên chia ra 21 trung tâm và một số bộ phận khác nhau để vận hành tuyến đường sắt này. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng (quản lý tàu, quản lý nhà ga, sửa chữa công trình); trung tâm lái tàu có 86 người, trong đó có 46 lái tàu chính trên tuyến, 13 lái tàu dồn, thử tàu. Trong đó hầu hết trong số công nhân này được đưa sang Trung Quốc để học về vận hành tàu.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017, khởi công tháng 10/2011. Tới nay, dự án đã trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, gồm các ông: Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể. |
Khắp vỉa hè, sân các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ga Cát Linh, ga Láng...) do chưa đưa vào sử dụng nên đang được...
Nguồn: [Link nguồn]