Công nghệ "điều chế", bán nước mắm siêu rẻ

Nhiều chủ quán ăn, nhà hàng đang sử dụng loại nước mắm siêu rẻ (từ 5.000-10.000 đồng/lít). Loại nước mắm này được sản xuất bằng cách pha chế nguyên liệu rẻ tiền, hương liệu, chất bảo quản…

Công nghệ "điều chế", bán nước mắm siêu rẻ - 1

 Nhân viên tiếp thị nước mắm giá rẻ vào quán ăn. Ảnh Q.N.

Phóng viên Tiền Phong trong vai công nhân đi học việc mục sở thị công nghệ sản xuất nước mắm siêu rẻ này từ A đến Z tại một lò sản xuất nước mắm ở Hà Nội, đồng thời xin làm chân tiếp thị bán hàng.

Vào lò sản xuất nước mắm

Để chứng kiến quá trình sản xuất loại nước mắm siêu rẻ này, trong vai công nhân đi học việc, sau nhiều mối liên hệ, PV Tiền Phong đã thâm nhập được vào nhà xưởng của Cty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm L.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bước vào sân công ty, can, chai nhựa xếp la liệt chờ dốc nước. Một nhân viên coi kho cho hay, số can nhựa này do các chị lao công gom ở các văn phòng, công ty lớn bán cho đồng nát. Công ty mua về dùng, tiết kiệm chi phí.

Tại nhà xưởng sản xuất, đập vào mắt bất cứ ai có mặt là những bồn chứa bằng nhựa (loại 1.000 lít), nồi hơi, các đường ống bơm nước mắm, hương liệu, chất tạo ngọt... “Nước mắm truyền thống Nha Trang, Phú Quốc có độ đạm thấp nhất là 10 (tức là trong 1 lít nước mắm có tổng cộng 10g Nitơ-PV). Nhiều người nghĩ đơn giản, để có nước mắm chấm 5 độ đạm, chỉ cần dùng nước mắm cốt pha loãng với nước và muối tạo thành, nhưng không phải như vậy. Nước mắm chấm được từ làm nguyên liệu có độ đạm thấp để giá thành rẻ”, một công nhân cho biết.

Công nghệ "điều chế", bán nước mắm siêu rẻ - 2

 Can nhựa tận dụng đựng nước mắm.

Một nhân viên nắm rất chắc quy trình sản xuất có tên là Quốc “bật mí”, nguyên liệu làm nước mắm chấm rẻ tiền là nước được lấy ra đầu tiên trong quá trình ủ chượp cá hay gọi đơn giản là “nước rửa cá”.

Theo lời anh Quốc, loại nước này có độ đạm thấp, giá thành rẻ nhưng rất mặn, mùi thối nên sau khi nhập về, công nhân sản xuất phải cho vào hệ thống nồi hơi, bồn chứa để “điều chế”. Nước “rửa cá” bơm vào bồn chứa thứ nhất, dùng hệ thống nồi hơi đun sôi lên 80 độ C. Nước nóng tiếp tục dẫn qua bồn thứ 2 để làm lạnh (để giảm độ mặn và cô đặc). Sau đó, cho thêm chất điều vị, chất tạo ngọt tổng hợp và chất bảo quản để sản phẩm giữ được lâu hơn.

Nước mắm chấm rót vào can 5 lít hoặc bình 20 lít (tùy thuộc vào yêu cầu của cửa hàng), dán nhãn “Nước chấm cá cơm Nha Trang hảo hạng”; thành phần: Nước mắm cốt Nha Trang – Phú Quốc, chất điều vị, chất tạo ngọt tổng hợp.

Ra khỏi phòng sản xuất, anh Quốc dặn dò phải giữ bí mật bởi  “Công ty quy định, chỉ có lãnh đạo và công nhân được vào phòng sản xuất, vì liên quan đến “bí quyết” làm nước mắm, không thể để lộ ra ngoài. Nếu công nhân phòng sản xuất đưa người ngoài hoặc nhân viên phòng khác vào phòng sẽ bị phạt, trừ lương”.

Tại xưởng sản xuất của công ty có gần chục công nhân vừa “điều chế” sản phẩm vừa chở hàng giao cho quán cơm, căng tin, nhà hàng… trong nội thành Hà Nội. Ngoài ra, nước mắm chấm giá rẻ đưa về các tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ…

Công nghệ "điều chế", bán nước mắm siêu rẻ - 3

 Nước mắm rẻ tiền mạo danh nước mắm cá cơm Nha Trang hảo hạng. Ảnh Q.N.

Nước mắm siêu rẻ tràn ngập quán ăn, nhà hàng

Để tận thấy việc sử dụng loại nước mắm siêu rẻ trong các quán ăn, nhà hàng, tôi lại tìm đến và xin vào chân “chạy” làm nhân viên bán hàng của công ty nước mắm L.H. Ngay hôm nhận việc, tôi được phát bảng báo giá các loại nước mắm với mức bình dân phổ biến là 10.000 đồng/lít, nhân viên bán hàng tên Lan cho biết: “Nước mắm này dùng nêm nấu trong quán ăn, nhà hàng nên giá càng rẻ càng tốt. Em cứ đi thị trường vài hôm sẽ thấy có loại nước mắm chỉ 5.000 đồng/lít”.

Ngày đầu đi làm, tôi được phân công đi cùng nhóm 3 nhân viên (2 tiếp thị, 1 chở hàng). Xuất phát từ công ty, dọc theo đường Xuân Phương (Từ Liêm), cắt ngang đại lộ Thăng Long, hướng về khu vực phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Nhân viên tiếp thị mang theo báo giá, sản phẩm thử (can 5 lít nước mắm loại 10.000 đồng/lít) tặng các quán cơm.

Tôi cùng chị Lan vao quán cơm bình dân Khánh Vân (đường Lê Trọng Tấn), chủ cửa hàng cho biết: “Mỗi ngày, tôi dùng khoảng 2 lít nước mắm, nếu giá 10.000 đồng/lít đắt quá. Tôi đang dùng nước mắm Anh Huy, giá 110.000 đồng cho 1 bình 20 lít, dùng nêm nấu nên càng rẻ càng tốt”. Chê giá cao, chủ quán cơm Khánh Vân từ chối nhận sản phẩm thử, khẳng định “chỉ dùng nước mắm giá 5.000 đồng/lít”.

Còn tại quán phở Cồ gia truyền Nam Định (168 Lê Trọng Tấn, Hà Đông), anh Trần Văn Đồng – chủ quán cho biết: quán phở từ trước giờ sử dụng nước mắm chấm Thanh Thúy (địa chỉ công ty tại La Khê, Hà Đông). Mỗi chai gần 1 lít khoảng 6.000 đồng. “Mỗi ngày quán dùng hết gần 3 chai cho vào nấu nước phở, rang cơm”. Anh Đồng nhận can nước mắm chấm 5 lít dùng thử và hứa sẽ liên lạc sau.

Hơn 2 tiếng đi tiếp thị lần lượt các quán cơm bình dân, cháo lòng tiết canh, bún, phở, gần 20 can nước mắm quà tặng đã hết sạch. Trong lúc đi xe máy tới cửa hàng tiếp theo, chị Lan liên tục nhận được cuộc gọi đặt nước mắm từ các quán cơm bình dân đã tiếp thị trước đó. Theo chị Lan, sau khi tặng sản phẩm dùng thử, nhân viên sẽ quay lại “chăm sóc khách hàng”. “Mình hỏi họ đã dùng sản phẩm chưa, có thấy hợp hay không. Nếu họ đồng ý đặt hàng, mình sẽ được thưởng 10% doanh số. Ngoài ra, thêm 1 khách hàng mới, nhân viên sẽ được thưởng 50.000 đồng”, chị Lan nói.

Để thu hút khách hàng, các công ty nước mắm loại siêu rẻ này liên tục đưa ra khuyến mại tặng sản phẩm, giảm giá... và cho nhân viên quảng cáo là nước mắm cá cơm Nha Trang, Phú Quốc hảo hạng. Theo chủ nhà hàng Hải Lan (Lê Trọng Tấn, Hà Đông), 1 tuần có tới 3 công ty tiếp thị nước mắm giá rẻ.

Sau nhiều ngày làm nhân viên tiếp thị nước mắm, chúng tôi nhận ra thực tế là hầu hết các quán ăn, căng tin, nhà hàng ở Hà Nội đều dùng nước mắm siêu rẻ (giá 5.000-10.000 đồng/lít) với các nhãn hiệu như Cát Tường, Anh Huy, L.H... Ngoài ra, nước mắm chấm giá rẻ được vận chuyển về đại lý ở các tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu tiêu thụ. 

Trước sự việc này, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, đơn vị cấp giấy chứng nhận công bố sản phẩm đủ điều kiện ATVSTP cho các sản phẩm nước mắm, nước chấm cho hay: Hiện nay, có tình trạng một số công ty dán nhãn sai quy định tên sản phẩm nước chấm, nước mắm. Nhiều công ty xin công bố cho sản phẩm nước chấm, nhưng trên bao bì ghi tên sản phẩm nước chấm truyền thống Nha Trang, Phú Quốc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

 Hỏi về cách thức xử lý, bà Thu nhấn mạnh: “Doanh nghiệp đăng ký công bố phù hợp quy định ATTP với sản phẩm nào thì chỉ được dùng tên đã đăng ký, không được dùng bất cứ tên nào khác. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Tôi sẽ chỉ đạo phòng thanh tra, giám sát sản phẩm kiểm tra vấn đề này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN