Công khai đường dây nóng trên xe khách
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia vừa cho biết thông tin mới nhất về việc duy trì 1 số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban để tiếp nhận phản ánh của người dân về chất lượng xe khách cũng như tình hình TTATGT trên cả nước.
100 xe đã bị xử lý từ tin báo đường dây nóng
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trong gần 800 lượt điện thoại, tin nhắn gửi về đường dây nóng trong cao điểm vận tải Tết vừa qua có 10% thông tin được xử lý ngay tại chỗ. Có gần 100 phương tiện vi phạm bị phạt đến 3 triệu đồng theo quy định và tước phù hiệu, giấy phép lưu hành trong 30 ngày. “Ngay sau khi xử lý, chúng tôi đã có phản hồi cho hành khách” - ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp lấy ví dụ mới nhất tối mùng 5 Tết, xe khách BKS 36M-9212 chạy tuyến Thanh Hóa - Giáp Bát nhưng đề biển Thanh Hóa - Mỹ Đình đã bỏ khách bơ vơ tại Bến xe Giáp Bát. Một người dân thấy cảnh mẹ bế con đứng khóc tại bến xe đã gọi điện đến đường dây nóng. Ngay trong tối đó, thông tin được xác minh và sáng hôm sau phương tiện này bị phạt 1,7 triệu đồng và tước phù hiệu 30 ngày trước sự chứng kiến của người dân, lãnh đạo bến xe Giáp Bát và hành khách.
Duy trì 1 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về chất lượng xe khách.
Năm nay dù công bố nhiều số điện thoại đường dây nóng hơn nhưng số lượng tin nhắn và điện thoại ít hơn dịp Tết 2013. Lý giải điều này, ông Hiệp cho rằng một phần do tình hình quản lý vận tải đã tốt lên, một phần doanh nghiệp cũng đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định vì họ biết người dân sẽ giám sát.
Trả lời câu hỏi tại sao chỉ có 10% tin báo có kết quả xử lý, ông Hiệp cho biết, nhiều hành khách thông tin không đầy đủ về biển số xe, hành trình nên đường dây nóng không thể kiểm tra một cách chính xác, chưa kể còn có những tin nhắn mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe với nhau.
Khách đi xe đường dài nếu thấy dấu hiệu mất an toàn có thể gọi vào đường dây nóng được dán công khai trên xe
Công khai đường dây nóng trên các xe khách
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, từ thực tế Tết vừa qua cho thấy nếu duy trì được một số điện thoại của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia hàng ngày tiếp nhận thông tin thì sẽ hiệu quả hơn là cùng lúc có tới 17 số điện thoại của nhiều cơ quan.
Ông Nghị cho rằng, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng rồi chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vừa đúng chức năng của cơ quan tham mưu, tổng hợp giúp việc cho Ủy ban ATGT Quốc gia lại vừa giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm số liên lạc khi cần.
Đồng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, năm nay Cục công bố đường dây tiếp nhận thông tin của nhân dân qua số điện thoại trực ban, do đặc thù trực theo ca, nên không thể có một số cố định, chưa kể đến chế độ luân phiên công tác. Ông Tuấn đề xuất: “Nên chỉ duy trì 1 số điện thoại tiếp nhận thông tin, rồi chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết. Nếu đơn vị nào không xử lý rốt ráo sẽ truy cứu trách nhiệm”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ sớm có một số điện thoại di động để tiếp nhận thông tin giám sát của người dân trong cả năm và sau đó sẽ phân loại thông tin, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Số điện thoại này sẽ được dán công khai trên các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe khách vừa để nhắc nhở các nhà xe, vừa tạo điều kiện cho người dân trong việc phản ánh vi phạm.
Chúng tôi kỳ vọng trong quý I/2014 này, Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được đưa vào sử dụng (đặt tại Tổng cục Đường bộ VN) cùng với thông tin của hành khách phản ánh, các cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm, nhất là vi phạm của xe khách, từ đó giảm TNGT, ông Hiệp nói.