Công dân Việt Nam chưa nên đi Thái Lan

Ngày 24/5, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam lưu ý, chưa đi Thái Lan nếu không thật cần thiết, cho tới khi tình hình nước này ổn định.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Thái Lan, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Thái Lan. Việt Nam mong muốn Thái Lan sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.

Tối 24/5, lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha giải tán Thượng viện, tuyên bố rằng, hiện giờ ông đảm nhiệm quyền lực của Thượng viện và Hạ viện, phòng trường hợp cần Quốc hội phê chuẩn điều gì đó, Xinhua đưa tin.

Tướng Prayuth cũng tuyên bố rằng, một số nhân vật chủ chốt trong chính phủ tạm thời không có quyền hành, trong đó có Thứ trưởng Quốc phòng Nipat Thonglek, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew, Giám đốc Cục Điều tra đặc biệt Tharit Pengdit…

Hôm qua, quân đội Thái Lan ra lệnh cho 35 người, trong đó có một cựu bộ trưởng tư pháp, một cựu giám đốc lực lượng cảnh sát quốc gia và nhiều học giả nổi tiếng, trình diện trước quân đội, BBC đưa tin.

Công dân Việt Nam chưa nên đi Thái Lan - 1

Binh sĩ Thái Lan tuần tra trên đường phố Bangkok sau đảo chính. Ảnh: AP

Trước đó một ngày, quân đội yêu cầu hơn 100 chính khách, trong đó có cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và Thủ tướng lâm thời Niwatthamrong Boonsongphaisan, tới gặp mặt hội đồng quân sự. Nhiều người trong danh sách mới nhất trước đó bị cáo buộc có lời nói hoặc hành động chống lại nền quân chủ Thái Lan.

Ngày 24/5, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, vài trăm người Thái Lan biểu tình đổ xuống đường phố Bangkok để bày tỏ sự giận dữ trước việc quân đội nắm quyền.

Giới chức Thái Lan nói rằng, việc tạm giữ cựu Thủ tướng Yingluck là cần thiết, nhưng thời hạn tạm giữ sẽ không quá một tuần. Người phát ngôn quân đội Thái Lan, đại tá Werachon Sukhondhadhpatipak nói rằng, việc tạm giữ hơn 100 chính khách là để họ có “thời gian suy nghĩ”.

Ông Werachon từ chối tiết lộ địa điểm tạm giam các quan chức và nói rằng điện thoại di động của họ đã bị tịch thu. Lãnh đạo đảng Pheu Thai của bà Yingluck, ông Charupong Ruangsuwan, tuyên bố sẽ không đầu hàng giới chức quân sự.

Tướng Prayuth đã gặp nhiều quan chức chính phủ, triệu tập các tỉnh trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp và công chức tới Câu lạc bộ Quân đội Bangkok. Trong cuộc họp, tướng Prayuth nói: “Chúng ta phải cải cách kinh tế, xã hội và chính trị trước khi bầu cử. Nếu tình hình yên bình, chúng tôi sẵn sàng trả lại quyền lực cho nhân dân”.

Sáu sĩ quan quân đội cấp cao nhất vừa được chỉ định điều hành đất nước, còn sĩ quan chỉ huy ở các tỉnh giám sát chính quyền địa phương.

Mỹ đã tạm dừng viện trợ quân sự (trị giá 3,5 triệu USD trong gói cứu trợ 10,5 triệu USD) dành cho Thái Lan và yêu cầu quân đội Thái Lan khôi phục chính quyền dân sự. Washington cũng thúc giục du khách hủy các chuyến đi tới Thái Lan và tạm dừng những chuyến thăm không thiết yếu của quan chức chính phủ Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan (Tiền Phong)
Đảo chính ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN