Công dân không nên cấp tập đi làm hộ chiếu gắn chíp điện tử!
“Hộ chiếu phổ thông vẫn còn giá trị sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm, thì công dân không nên làm thủ tục cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử. Điều này vừa tốn thời gian đăng ký, đi làm, vừa vô hình chung tạo áp lực đối với các đơn vị tiếp nhận”, đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – CATP Hà Nội nhìn nhận.
Từ ngày 1-3, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) triển khai cấp mẫu hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên toàn quốc
Đặc biệt theo quy định, hộ chiếu không gắn chíp và có gắn chíp được sử dụng song hành. Các mẫu hộ chiếu được cấp trước ngày 1-1-2022 vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc đổi sang hộ chiếu gắn chíp điện tử. Ngoài ra, công dân có quyền yêu cầu cấp đổi từ mẫu hộ chiếu cũ sang mẫu hộ chiếu có gắn chíp.
Lượng công dân đến làm thủ tục hộ chiếu tại Công an Hà Nội tăng đột biến trong nhiều ngày qua
Nhưng, theo ghi nhận của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội, từ hơn 1 tháng trước trước thời điểm ngày 1-3, số lượng công dân đăng ký thủ tục làm hộ chiếu tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 1.500 hồ sơ. Cao điểm lượng hồ sơ tiếp nhận “khủng” nhất, lên đến con số khoảng 3.400!
Một chi tiết “nhỏ”, là bộ phận chuyên trách hộ chiếu của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội chưa đến 30 cán bộ, chiến sỹ. Và trong hơn 1 tháng qua, trừ ngày chủ nhật, còn lại, từng ấy con người, cộng thêm các đồng chí trong Ban chỉ huy Phòng, luôn ở trạng thái “bơi trong công việc”.
“Có công dân thông cảm, nhưng cũng không ít người, chỉ câu trước câu sau là to tiếng, thậm chí, có cả cách ứng xử thiếu văn minh, bất chấp sự giải thích của cán bộ chuyên môn”, chỉ huy Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh chia sẻ, và lý giải sơ bộ mấy nguyên nhân sự tăng đột biến này. Thứ nhất, nhiều người không biết về quy định được sử dụng song hành hộ chiếu không gắn chíp và có gắn chíp, nhất là những hộ chiếu vẫn còn hạn trên 6 tháng.
Hội trường của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh được trưng dụng để phục vụ công dân
Thứ hai, một bộ phận không nhỏ công dân, làm thủ tục cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử vì…tò mò; vì được nghe, được biết nhiều về tiện ích của hộ chiếu mới!
Lý giải về nguyên nhân thứ ba mới là vấn đề đáng suy nghĩ, cảnh báo. Đó là không ít công dân đã và đang đăng ký cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử thông qua “đội quân” trung gian trên mạng xã hội.
Theo quy định, người dân có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu điện tử gắn chíp bằng nhiều hình thức. Cụ thể, công dân có Căn cước công dân sẽ có quyền lựa chọn nơi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu tại bất kỳ Phòng xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nào mà công dân thấy thuận lợi nhất.
Đối với những người vẫn dùng Chứng minh nhân dân sẽ buộc phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh bất kỳ.
Ngoài ra, để giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, công dân chủ động làm tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo đường dẫn: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/.
Theo đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội, sự tiện lợi, nhưng cũng chính là vấn đề mà công dân sẽ tự gây nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân của mình, khi nhờ làm hộ chiếu qua “trung gian”.
Có trường hợp tạm trú tại Đà Nẵng, hộ khẩu cũ trước kia ở Quảng Bình, nhưng vẫn đăng ký qua mạng nộp hồ sơ cấp hộ chiếu gắn chíp tại Công an Hà Nội. Trường hợp này qua tìm hiểu được biết, thông qua “trung gian” trên mạng, và “trung gian” chọn Công an Hà Nội, vì giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh!
Lại có trước hợp nhà ở huyện Ba Vì (Hà Nội), sau khi nộp hồ sơ làm hộ chiếu gắn chíp, cơ quan chức năng tìm mọi cách liên hệ qua số điện thoại đăng ký, thì không được. Hóa ra, công dân này đã thông qua “trung gian”, đăng ký số điện thoại di động rồi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân để bên “trung gian” lo khai báo, hoàn thiện thủ tục.
"Công dân đăng ký chính chủ rồi giao số điện thoại di động cho bên “trung gian”, mà không ý thức được nguy cơ rằng sẽ bị bên “trung gian” tùy tiện sử dụng vào mục đích khác. Chưa kể, số điện thoại chính chủ ấy còn là để công dân đăng ký giao dịch nhiều dịch vụ công, tư khác… Khi ấy, muốn gặp bên “trung gian” để lấy lại, chắc ít cơ hội”, đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Hộ chiếu gắn chíp điện tử có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc học của con người như vân tay, khuôn mặt, nhóm máu.