Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội

Sự kiện: Thời sự

Đó là quy định tại Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua

Ngày 15-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Điều 5 của Nghị quyết đã quy định về người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội. Trong đó có quy định công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội quyết định danh sách người được mời quy định tại khoản này.

Điều 18 của Nghị quyết đã quy định về thời gian phát biểu, giải trình tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút; đại biểu Quốc hội tranh luận mỗi lần không quá 3 phút.

Đại biểu Quốc hôi biểu quyết thông qua Nghị quyết Nội quy kỳ họp sáng 15-11

Đại biểu Quốc hôi biểu quyết thông qua Nghị quyết Nội quy kỳ họp sáng 15-11

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 10 phút. Căn cứ diễn biến phiên họp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu.

Về chất vấn tại phiên họp toàn thể, Nghị quyết quy định mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp quyết định việc kéo dài thời gian nêu chất vấn, trả lời chất vấn.

Đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 7 phút của đại biểu là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của đại biểu; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì đại biểu có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu.

Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 2 phút, tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến.

Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận.

Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội để thảo luận, có khoản 6 Điều 7 quy định: "Trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội".

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định tại khoản 6 vì nội dung này không phải là tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, nội hàm của thông tin xấu, độc không rõ nghĩa, khó thực hiện.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ quy định tại khoản 6 về trình tự xử lý thông tin xấu, độc mà đại biểu Quốc hội nhận được trong kỳ họp vì không có đặc thù cần quy định trình tự xử lý riêng; vấn đề này (nếu có) sẽ được xử lý như đối với thông tin xấu, độc nói chung.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc hội quyết nghị tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1-7-2023

Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN