"Công chức có làm thêm cũng khó sống"

Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tiền lương nhận định: "Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu. Do đó, ngay cả có thu nhập thêm bên ngoài, công chức cũng khó sống"

Mới đây, Thanh tra Chính Phủ công bố kết quả khảo sát cho thấy có tới 79% cán bộ công chức trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời.

Có thêm thì cũng vẫn thiếu…

Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng nêu: Trong số người có thu nhập ngoài lương, hơn 50% trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; hơn 60% có nguồn thu do tiết kiệm được các khoản chi theo định mức khoán; hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; gần 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, tặng; 40% có nguồn thu khác.

Trước đó, báo cáo về chính sách tiền lương được Bộ Nội vụ công bố năm 2011 cũng nhận định: Ngoài thu nhập từ tiền lương, cán bộ công chức còn được bổ sung thu nhập từ các nguồn: tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng cho người chủ trì hoặc tham gia đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, đề tài, thù lao báo cáo viên hoặc giảng viên kiêm nhiệm, tiền hỗ trợ ăn trưa...

Đặc biệt, đối với những người giỏi, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Báo cáo trên khẳng định khoản thu nhập ngoài lương này lớn hơn nhiều so với lương cơ bản hàng tháng.

"Công chức có làm thêm cũng khó sống" - 1

Một lãnh đạo Bộ Nội vụ nhận xét: những khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập nhưng cán bộ, công chức vẫn cho là đãi ngộ của Nhà nước thấp nên không coi trọng công việc chính đảm nhiệm mà dành nhiều thời gian làm thêm.

Tuy nhiên, ông Đoàn Cường - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) nhận định: "Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu. Do đó, ngay cả có thu nhập thêm bên ngoài, công chức cũng khó sống".

Công chức làm thêm: Miếng đất màu mỡ

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ, để biết kết quả khảo sát trên đã phản ánh được đầy đủ đời sống cán bộ công chức hay chưa, cần phải có thêm những điều tra, đánh giá bổ sung tiếp theo.

"Thông tin 79% cán bộ công chức có thu nhập ngoài lương, nếu đem ra so sánh với các nước trên thế giới, thì quả là con số cao một cách bất thường...", ông Doanh nhận định.

"Công chức có làm thêm cũng khó sống" - 2

Thu nhập thêm cao hơn lương, liệu công chức có tập trung vào công việc chuyên môn? (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo TS Doanh, hầu hết bộ máy công quyền của các nước trên thế giới đều cấm công chức làm thêm, nếu nhà nước phát hiện sẽ phạt rất nặng.

"Đôi khi một vài nước cũng cho công chức tại các viện nghiên cứu nhận đề tài về làm thêm nhưng phải được công khai và hạn chế ở tỷ lệ cho phép", ông Doanh cho biết.

Trở về thực trạng trong nước, TS Doanh thừa nhận, với đồng lương như hiện nay, cán bộ công chức khó có thể đảm bảo cuộc sống nếu không làm thêm. Ông Doanh khẳng định đang có số lượng lớn công chức đang sử dụng giờ công, kiến thức chuyên môn, thậm chí cả phương tiện công để làm thêm.

"Chưa tính tới việc có hợp pháp hay không nhưng rõ ràng làm thêm sẽ là miếng đất màu mỡ khi công chức lợi dụng chức vụ, thông tin chuyên ngành để kiếm lời cho cá nhân. Ví như trong dự án thu hồi đất, tìm chủ thầu cho dự án xây dựng... một cán bộ có thể kiếm món hời từ thông tin mà anh ta có được", TS Doanh phân tích.

Từ đây, vị chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Làm thêm với thu nhập cao từ việc làm thêm như thế, liệu người công chức có thực sự toàn tâm, toàn ý tập trung vào công việc chuyên môn của mình?

Nhận định về quy mô khảo sát với chỉ với gần 2.000 cán bộ, công chức tại 10 địa phương và 5 bộ, ngành, ông Đoàn Cường cho rằng tỷ lệ được khảo sát là quá nhỏ so với số lượng cán bộ công chức trên toàn đất nước.

"Con số này khó có thể phản ánh khách quan tình hình đời sống cán bộ công chức hiện nay. Thêm vào đó đối tượng được khảo sát hầu hết lại là người có chức quyền . Công chức thường thì lấy đâu ra phong bì hội họp...", ông Cường nói.

Theo ông Cường, Bộ Nội cũng cũng có ý định từ lâu khảo sát về tình hình thu nhập cán bộ công chức song vì chưa có điều kiện. “Nguồn lực chỉ là một chuyện, thực tế muốn làm cũng rất khó vì đây là vấn đề tế nhị”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN