Công chức: Ai dám “sáng cắp ô đi…”?
Thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến thực trạng không hay của giới công chức, với nhận xét có đến 1/3 là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “không hiệu quả gì, bỏ đi cũng được”.
LTS: Công chức: Anh là ai? Tại sao với bao nhiêu khuyết điểm được nêu trong giới công chức mà… nói mãi vẫn thế!? Loạt bài Chẩn "bệnh" công chức đưa ra góc nhìn nhiều chiều về đội ngũ rường cột này. Xin trân trọng giới thiệu độc giả bài viết của TS. Ngô Thành Can – Học viện Hành chính. |
Những nhược điểm của công chức thường được nhắc tới là: năng lực làm việc kém; trình độ yếu, dựa dẫm vào nhau; đùn đẩy trách nhiệm; hạch sách, nhũng nhiễu; lãng phí của công; tiêu cực, tham nhũng; suy thoái đạo đức…
Công chức, anh là ai?
Nếu con số mà báo chí nêu ra là có 2,8 triệu công chức mà 1/3 (có nhà báo làm phép chia thành con số là 840 ngàn người) làm việc không hiệu quả, phải nuôi báo cô, thì quả là gay. Nếu một quốc gia có số công chức ăn bám lớn thế này, lại thêm các nhược điểm ở trên đây thì quốc gia ấy khá lên thế nào được.
Câu hỏi đặt ra là: Công chức là ai mà đông thế, với bao nhiêu khuyết điểm thế, trong bao nhiêu năm vẫn tồn tại mà họ không làm sao cả?
Thống kê về số liệu này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, cuối năm 2011 cả nước có hơn 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (chiếm hơn 3% tổng dân số). Còn nếu tính lực lượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì có khoảng 7,5 triệu người.
Y, bác sĩ không nằm trong số "sáng cắp ô đi..." (Ảnh minh họa)
Con số của Bộ Nội vụ cho hay 2,8 triệu người, gồm những người làm cho khu vực công, cho Nhà nước: cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Như vậy, loại “sáng cắp ô đi…” chắc không tính đến các viên chức như bác sĩ trong bệnh viện làm tối mặt suốt ngày vì số bệnh nhân quá nhiều so với số giường bệnh, không có các giảng viên, giáo viên, vì số giáo viên được tính trên đầu học sinh và có giờ dạy được phân công rồi, không tính đến các chiến sĩ bộ đội ngoài biên giới hải đảo, các chiến sĩ công an ngày đêm bảo vệ trật tự, an ninh đất nước. Không thể liệt họ thuộc loại “sáng cắp ô đi,..”.
Rõ ràng, từ “công chức” do quen gọi những người làm cho Nhà nước, nên có những hiểu lầm như vậy, làm một số người "hơi bị… tủi thân".
Công chức là những người làm công việc hành chính trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên, còn cấp cơ sở chúng ta có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Bậc lương công chức như nhau, phụ cấp công vụ thì khác nhau. Công chức có phụ cấp công vụ là 25% lương và số công chức ở các cơ quan Đảng, đoàn thể thì được thêm 30% nữa là 55%.
Sao anh dám "sáng cắp ô đi…"
Công chức thực hiện công việc hành chính nên có tình trạng nhênh nhang, “sáng cắp ô đi…”. Thực ra, nhiều người, nhiều đơn vị phải làm rất nhiều, không nhiều thời gian trà nước, buôn chuyện. Nhưng cũng không ít nơi công chức diễn trò “hôm nay không làm thì mai làm, có chết ai đâu”, “không giải quyết cho dân lúc này thì lúc khác cũng được có sao đâu, đâu có “cháy nhà, chết người” mà phải vội. Vì thế, người dân, doanh nghiệp mới bức xúc, chê bai và hơi khó chịu với “bọn công chức”.
Nhiều người, nhiều đơn vị phải làm việc rất nhiều (Ảnh minh họa)
Anh H, công chức ở một sở của Hà Nội đã hơn chục năm. Trước đây anh hăng hái, nhiệt tình công tác lắm, đi sớm về muộn thường xuyên. Nhưng rồi, với cách đánh giá cào bằng, lương hưởng theo ngạch bậc, có làm hơn nhiều người thì lương vẫn chỉ thế, người lớn tuổi có làm ít thì lương vẫn cao, nên dần dần nhiệt tình của anh cũng giảm sút, và “đi vào chiều sâu”.
“Chiều sâu” theo giải thích của anh là làm việc phải có tính toán, hình thức thì vẫn hăng hái, nhiệt tình nhưng thực chất là “khôn hơn” lên, phải nhìn trước ngó sau mà làm, phải biết cách báo cáo với rất nhiều khó khăn, phức tạp của bên ngoài mang lại, tội gì.
Hèn nào, cứ vào làm công chức một thời gian, nhiều người “khôn ra”, cách đi đứng nói năng cũng thận trọng và đúng lúc, đúng nơi hơn. Lúc cần đứng thẳng thì rõ là thẳng, hiên ngang ngút trời. Khi cần nhún thì nhún nhường, khom cúi rất mềm mại, cứ nhũn như con chi chi. Nói năng khẩu khí thì lúc như “có gang có thép” hùng dũng vô cùng, lúc lại chỉ tay lên giời “chém gió” không kém ai. Mà nhiều lúc cũng biết thân biết phận, rất chi là khiêm tốn, nhẹ nhàng, lời lẽ cứ như làn sương làn khói thật mỏng mảnh, luồn lách, khiêm nhường biết bao.
Chị M, một công chức có thâm niên 20 năm ở một cơ quan trung ương chia sẻ kinh nghiệm: ‘Mình cũng bình thường như mọi người, chẳng tài cán xuất sắc gì, nên phải biết khiêm tốn, biết nhường nhịn, nhưng phải thể hiện rất nhiệt tình công tác’. Chị nói, công việc thì trăm thứ có tên cũng như không tên, lúc nào cũng bận, nhưng phải biết thể hiện đúng lúc cần thiết. Trong họp hành phải tập trung báo cáo vào những công việc có kết quả dù nho nhỏ thì nói sao nó thành to to. Nêu khó khăn thì cũng phải biết nói sao cho nhỏ thành to, và nhất là phải biết hiệp đồng khen nhau, bình bầu ai cũng tốt, cũng xứng đáng khen thưởng cả, vì chỉ tiêu nên phải biết nhường nhau. Vì thế chị nhiều giấy khen lắm. Chị nói đùa rằng ai có nhã ý tìm hiểu, sưu tầm các loại giấy tờ khen thưởng thì đến gặp chị.
Hèn nào, thực tế thì ai cũng bảo công chức năng lực nói chung còn hạn chế, làm việc nhỏ thì sai sót nhỏ, làm việc to thì sai phạm to, làm chính sách thì toàn thứ ở trên giời cả, 1/3 không có sản phẩm, kết quả gì. Nhưng kết quả bình xét thi đua hàng năm thì toàn tiên tiến, xuất sắc cả… Kể cũng lạ!
Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2013 của các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã) là 281.714, cộng với công chức các cơ quan đoàn thể mấy chục ngàn và trên trăm ngàn công chức xã nữa thì cũng gần 500 ngàn người được gọi là công chức. |
Đón đọc kỳ sau: Loại 1/3 công chức: Lấy ai làm? vào 13h30 ngày 16/4