Công bố xét nghiệm 10 "làng ung thư" tại VN
Tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam.
Nguồn nước bị ô nhiễm nặng có thể liên quan đến ung thư (ảnh minh họa)
Ngày 21-12, tin từ Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi đến các Sở Y tế Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận để thông báo kết quả xét nghiệm tại 10 “làng ung thư” ở các địa phương này.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, theo báo cáo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Cục đã yêu cầu các sở y tế và trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành cung cấp thông tin về 10 làng nghi có nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Đến nay căn cứ báo cáo rà soát thông tin về số liệu mắc, tử vong do ung thư của trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành nói trên; căn cứ kết quả xét nghiệm chất lượng nước do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Pastuer Nha Trang tiến hành tại 10 làng có nghi ngờ về nguồn nước bị ô nhiễm nặng liên quan đến ung thư.
Cục Quản lý môi trường y tế đã tổng hợp số liệu, kết quả xét nghiệm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại 10 làng nói trên.
Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư các làng đã điều tra dao động 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương với tỉ lệ mắc ung thư chung của toàn quốc (tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam), thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (182/100.000 dân). Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương.
Về tình hình chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt chủ yếu là nước giếng lấy từ các hộ gia đình có người mắc, chết cho ung thư và phân tích 24-25 chỉ tiêu bao gồm: Clorua, sắt tổng số, mangan, nhôm, asen, xianua, antimon, cadimi…
Kết quả xét nghiệm theo báo cáo của hai viện trên cho thấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Một số mẫu (22/63 mẫu) có các chỉ tiêu như độ đục, clorua, sắt, mangan, pecmanganat, E.Coli, coliform cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, các chất này chưa có khả năng gây ung thư.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, qua khảo sát và xét nghiệm chất lượng nước chưa thấy có tỉ lệ mắc ung thư cao bất thường tại 10 làng được điều tra.
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi tác nhân có khả năng gây ung thư. Chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này.
Tuy nhiên, Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết: “Đây mới chỉ là khảo sát ban đầu, để có thể xác định nguyên nhân gây ung thư cần phải có những nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn”.