Công bố nguyên nhân thai phụ tử vong sau khi nâng ngực
Liên quan đến vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực, ngày 31/8, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin chính thức.
Hình ảnh nạn nhân trước phẫu thuật. (Ảnh: PL TP.HCM)
Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn để họp xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S.B.T (22 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Hội đồng chuyên môn do phó giáo sư Lê Hành, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch, cùng các bác sĩ nhiều chuyên khoa như: Nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, cơ xương khớp….
Sau khi các chuyên gia phân tích hồ sơ bệnh án, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM kết luận: “Nguyên nhân thai phụ tử vong sau nâng ngực hồi tháng 4 là do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính là người bệnh có thai, phẫu thuật và sử dụng kháng sinh”.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định: “Bệnh viện Vạn Hạnh, nơi điều trị phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực cho bệnh nhân, và phẫu thuật viên không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực".
Tuy vậy, Bệnh viện Vạn Hạnh đã không phát hiện được bệnh nhân có thai. Khi khám thấy ngực bệnh nhân hơi căng, bác sĩ khai thác bệnh sử thì bệnh nhân khẳng định chưa có chồng, kinh nguyệt đều, sắp có kinh nguyệt nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai.
Theo hội đồng chuyên môn, lời khai của người bệnh để bác sĩ tham khảo nhưng bác sĩ vẫn cần phải khám toàn diện trước khi ra y lệnh. Đây là điểm thiếu sót mà bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần lưu ý. Các bệnh viện được nhắc nhở trước khi phẫu thuật cần yêu cầu bệnh nhân khai báo "kỳ kinh cuối" trong hồ sơ bệnh án cũng như trong phiếu tư vấn.
Cũng theo Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Lê Tấn Hùng trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2012 với phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Bác sĩ được thực hiện tất cả loại hình phẫu thuật thẩm mỹ trong phạm vi hoạt động tại những nơi được cấp phép.
Bác sĩ Hùng hiện công tác tại một bệnh viện công lập, ký hợp đồng làm việc ngoài giờ với Bệnh viện Vạn Hạnh từ năm 2014.
Qua kết luận của Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế yêu cầu BV Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình liên quan đến phẫu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Hội Phẫu thuật thẩm mỹ định kỳ phổ biến rút kinh nghiệm cho các Hội viên về những sai sót chuyên môn để tránh lặp lại và phổ biến về các qui định của pháp luật trong khám chữa bệnh và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của hội viên và cơ sở để kiến nghị để xuất hỗ trợ.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ các sai sót và xử lý cá nhân, đơn vị liên quan nếu sai phạm.
Trước đó, tháng 4-2017, chị S.B.T. đến BV đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) để phẫu thuật đặt túi nâng ngực sau đó bị biến chứng, vào Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn hậu phẫu và chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhân dân 115. Chị T. bị hôn mê và tử vong.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TP HCM khẩn trương kiểm tra, xác minh, kiểm tra, làm rõ, xử lý vi phạm (nếu có).
Sở Y tế TPHCM xác định, bác sĩ thực hiện phẫu thuật nâng ngực cho cô gái dẫn đến tử vong có chuyên môn về răng hàm...