Công bố nguyên nhân sập cầu hơn 40 năm tuổi ở Sài Gòn
Chiều 27.8, giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì cuộc họp về nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục sự cố sập mố cầu trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân vào đêm 26.8.
Một trong những nguyên nhân sập mố cầu là do nạo vét kênh khiến lòng và đáy kênh mở rộng, khi gặp mưa lớn chảy siết gây sói món đất sập mố cầu
Tại buổi họp, đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP) cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự cố là do cây cầu yếu, trọng tải chỉ 5 tấn và được xây từ trước năm 1975. Ngoài ra, theo vị đại diện này, nguyên nhân nữa là do nạo vét kênh khiến lòng và đáy kênh mở rộng, khi gặp mưa lớn chảy xiết gây sập cầu.
“Khu vực cầu sập có dự án tiêu thoát nước, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP làm chủ đầu tư thực hiện nạo vét, mở rộng lòng kênh. Do đó, đáy và lòng kênh rộng, chiều 26.8, khi gặp mưa lớn hơn 100mm dẫn đến lưu lượng nước kênh tăng cao gây sói mòn, sập mố cầu phía Quốc lộ 1A”, đại diện Khu 1 nói.
Cũng theo đại diện Khu 1, cầu Tân Kỳ Tân Quý quá yếu nên được cơ quan chức năng quan tâm đặc biệt, thành phố cũng đã có chủ trương xây cầu mới.
Trong thời gian khắc phục sự cố sập mố cầu trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Sở GTVT TP tạm thời sẽ cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông qua cầu
Tại buổi họp đơn vị tư vấn cho biết, trước mắt sẽ xây 2 cầu tạm song song với cây cầu bị sập và tổ chức phân luồng theo hai hướng. Thời gian triển khai thi công và hoàn thành trong vòng 20 ngày. Bề rộng 2 mặt cầu tạm 4m, dài trung bình 30m và chịu được tải trọng 13 tấn. Trong đó, một cầu được thiết kế có lối đi dành cho người đi bộ.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án xây cầu mới với 4 làn xe, chiều dài 67m với tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng, trong đó có 63 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng. Thời gian thi công cầu mới tính cả trình duyệt giấy tờ là 18 tháng, trong đó khoảng 6 tháng thi công cầu.
Kết luận buổi làm việc, ông Cường yêu cầu các đơn vị có liên quan nhanh chóng triển khai việc xây dựng cầu tạm, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi an toàn hơn, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện bố trí lực lượng chốt chặng hai đầu cầu phân luồng, điều tiết giao thông. Thực hiện đặt rào chắn, biển báo từ xa để người dân biết thông tin.
Người đứng đầu Sở GTVT TP đồng ý với phương án xây 2 cầu tạm trong vòng 20 ngày mà đơn vị tư vấn đưa ra, tuy nhiên ông Cường cũng yêu cầu đơn vị thi công cần phải thực hiện khảo sát địa chất. Phải huy động nhân lực, thiết bị để khi phương án được phê duyệt thì lập tức thi công ngay.
Về quá trình xây cầu mới ông Cường yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện thiết kế cơ sở để trình lên Sở. “Trong tuần sau, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ trì để xem hồ sơ, so sánh phương án thiết kế phù hợp nhất với quy hoạch đô thị, độ tĩnh thông thuyền trước khi trình UBND TP xem xét”, ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, công tác phê duyệt hồ sơ có thể mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khoảng thời gian chờ phê duyệt, ông Cường cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền quận Bình Tân, Sở GTVT để đảm bảo tốt việc phân luồng, điều tiết giao thông qua khu vực cầu sập cũng như công tác giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian khắc phục sự cố sập mố cầu trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Sở GTVT TP tạm thời sẽ cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông qua cầu và tổ chức lộ trình thay thế như sau: Lộ trình thay thế cho hướng từ Quốc lộ 1 vào đường Tân Kỳ Tân Quý: Lộ trình 1: Quốc lộ 1 => Hương Lộ 2 => Mã Lò => Tân Kỳ - Tân Quý. Lộ trình 2: Quốc lộ 1 => Ao đôi => Mã Lò => Tân Kỳ - Tân Quý. Lộ trình 3: Nguyễn Thị Tú => Lê Trọng Tấn => đường CN1 => Hương Lộ 3 => Tân Kỳ - Tân Quý. Lộ trình 4: Quốc lộ 1 => đường M1 => đường CN1 => Hương Lộ 3 => Tân Kỳ - Tân Quý. Lộ trình thay thế cho hướng từ đường Tân Kỳ - Tân Quý đến Quốc lộ 1: Lộ trình 1: Tân Kỳ - Tân Quý => Ao đôi => Quốc lộ 1. Lộ trình 2: Tân Kỳ - Tân Quý => Hương Lộ 3 => đường CN1 => đường M1 => Quốc lộ 1. |