Công an vào cuộc, nhiều tiệm phá xe trả mặt bằng, đóng cửa
Các tiệm phá xe đã hoạt động nhiều năm, nhiều người đi đường mà phần lớn là học sinh, sinh viên, phụ nữ… bị phá xe phải bỏ ra số tiền không ít để sửa.
Ngày 25-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành vẫn đang trao đổi với VKS cùng cấp về việc phối hợp trao đổi thông tin phục vụ việc xử lý đối với ông Đỗ Bá Thước (44 tuổi, quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hàng loạt tiệm phá xe đóng cửa
Liên quan loạt bài điều tra “Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ (QL)” của báo Pháp Luật TP.HCM, theo ghi nhận trong ngày 24 và 25-8, nhiều chủ tiệm phá xe đã trả mặt bằng, đóng cửa.
Cụ thể, tại QL1 đoạn gần cầu vượt Linh Xuân (phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương), hai tiệm của hai ông Đàm Văn Long (44 tuổi, quê Thái Bình) và Mai Văn Hòa (35 tuổi, quê Thanh Hóa) đều đã đóng cửa.
Bên ngoài tiệm sửa xe Tuấn Anh của ông Hòa treo một tấm bảng “thuê kiốt, không cho thuê sửa xe máy”.
Liên hệ với chủ nhà, PV được biết ông Hòa đã trả mặt bằng khoảng năm ngày trước và đi đâu không rõ. Chủ nhà cũng cho biết được công an vận động không cho người thuê nhà mở tiệm sửa xe.
Với tiệm sửa xe Văn Minh của ông Long cũng trong tình trạng đóng kín cửa, tháo bảng hiệu. Trước nhà cũng treo bảng cho thuê mặt bằng. Theo tìm hiểu của PV, tiệm này đóng cửa cho thuê mặt bằng khoảng ngày 15-8, chỉ vài ngày sau khi báo đăng tải phản ánh hành vi phá xe.
Ở tiệm sửa xe Văn Minh nằm gần cầu vượt Gò Dưa (TP Thủ Đức, TP.HCM) từng được PV ghi nhận có ông Mai Văn Cường (38 tuổi, quê Thanh Hóa) phá xe, tiệm này cũng đóng cửa và trả mặt bằng.
Trao đổi với PV, hàng xóm cho biết sau khi ông Cường được mời đến trụ sở công an thì sau đó trở về đóng cửa, trả mặt bằng.
Trong ngày 24-8, ghi nhận các tiệm sửa xe của Đỗ Bá Thước (44 tuổi), Nguyễn Văn Đông (39 tuổi), Hà Văn Đồng (31 tuổi) và Trương Văn Tuấn (23 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) đều đã đóng cửa. Nhóm này đều là họ hàng của nhau.
Các tiệm sửa xe từng được ghi nhận phá xe của khách hiện đóng cửa nhiều ngày trước. Ảnh: NHÓM PV
Trong đó, tiệm của các ông Thước, Đông và Đồng vẫn mở cửa bán phở, bán nước và cà phê võng. Một số khách vẫn còn dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Riêng tiệm của Trương Văn Tuấn thì đóng cửa, trả mặt bằng, toàn bộ đồ đạc sửa xe đều được dọn dẹp. Một tiệm sửa xe gần đó mà PV xác minh có mối quan hệ với nhóm Thước “râu” cũng đóng cửa.
Nhóm phá xe thừa nhận sử dụng trẻ em
Khi cơ quan công an mời làm việc, ông Đông, ông Thước và con trai ông Thước đều thừa nhận hành vi rút dây mobin sườn xe của khách rồi “vẽ bệnh”, lấy giá cao.
Theo ông Đông, hành vi rút dây mobin sườn của khách vào quán rồi loan tin hư xe, ép sửa với giá cao đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Theo ông Đông là từ năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa chuyên nghiệp như hiện nay.
Ông Đông thừa nhận xe nếu bị hư các bộ phận như bi nồi, dây curoa thì cũng không liên quan đến việc xe không nổ được máy mà việc này là do ông và họ hàng tự bịa ra.
Về việc ai rút dây mobin sườn, ông Đông khai các bé trai là con, cháu của mình cũng tham gia vào quá trình phá xe của khách. “Cho các cháu nhìn các cha, bác, cậu rồi học theo” - ông Đông khai và biết hành vi trên là vi phạm pháp luật.
Ông Đông cũng mô tả cách thức hoạt động của các bé trai: “Khi có khách vào uống nước sẽ cho con tiếp cận và rút dây mobin sườn. Khi khách ra đề máy xe không nổ thì sẽ tiếp cận hỏi hết bình hay sao, đẩy qua kiểm tra cho. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng làm”.
Bé Đỗ Quang Tr (con trai ông Thước) thì làm theo hướng dẫn của cha để thực hiện hành vi phá xe trên QL51. Bé này cho biết các xe bị phá thường là dòng Honda Vision. Trong khi đó, con gái ông Thước cho rằng biết cha mình phá xe...
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải phóng sự “Chiêu trò phá xe của khách trên các QL”. Trong đó, chúng tôi có phản ánh một dãy quán cà phê võng, quán ăn kết hợp sửa xe dùng chiêu trò rút dây mobin sườn để phá hỏng xe của khách.
Sau đó, những người này ép sửa với giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng. Không những vậy, các nhóm phá xe này còn sử dụng trẻ em giúp sức để phá xe của khách.
Các quán nước này nằm ở cả hai chiều QL51, đoạn cách ngã ba Nhơn Trạch vài trăm mét và có họ hàng với nhau. Suốt nhiều năm qua, hàng loạt người đi đường đã trở thành nạn nhân của nhóm phá xe này.
Công an huyện Long Thành đã mời làm việc nhiều người là họ hàng của ông Thước để xử lý.
Người dân cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM
Trao đổi với PV, nhiều người dân ở QL51, nơi nhóm phá xe của Thước “râu” cát cứ lâu nay gửi lời cảm ơn đến báo Pháp Luật TP.HCM đã vào cuộc phản ánh, phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang, xử lý nhóm phá xe.
Theo người dân, nhóm phá xe này hoạt động đã lâu, khiến nhiều người đi đường mà phần lớn là học sinh, sinh viên, phụ nữ… bị phá xe phải bỏ ra số tiền không ít để chi trả. Trường hợp không có đủ tiền thì nạn nhân phải để lại điện thoại, máy tính, tài sản để chuộc lại.
Một số trường hợp phản kháng thì bị họ hàng của Thước “râu” vây lại chửi bới, thậm chí đánh đập. Thực trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến những người kinh doanh quán nước, cà phê võng ở khu vực.
Dù biết nhóm phá xe là họ hàng, hoạt động có tổ chức nhưng lo sợ bị trả thù, phiền hà…, người dân khu vực không trình báo cơ quan chức năng nên sự việc đến nay mới được đưa ra ánh sáng.
Băng nhóm phá xe trên quốc lộ huy động các thành viên bao vây, đe dọa khi chúng tôi cảnh báo hành vi của nhóm này cho nạn nhân.
Nguồn: [Link nguồn]