Công an TP.HCM: Nhiều karaoke, bar, vũ trường 'lách luật'
Theo Công an TP.HCM, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường 'lách luật' nên không thực hiện đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Chiều 15-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, thông tin tại họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, đã thông tin về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với vũ trường, quán bar, karaoke trên địa bàn TP.HCM sau khi có vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương,
Theo Thượng tá Hà, từ sau vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội vào ngày 1-8, Công an TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm tra PCCC từ 17-8 đến 15-9. Sau khi xảy ra vụ cháy ở Bình Dương, Công an TP đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát lại, xem nội dung nào có khả năng sót lọt thì kiểm tra.
Công an TP đã kiểm tra 415 cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường. Kết quả có 22 cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động, 136 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với 187 lỗi vi phạm, tổng số tiền bị xử phạt là 737 triệu đồng.
Thượng tá Hà khẳng định Công an TP rất cương quyết trong việc này. Theo ông, 22 cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động là các cơ sở không đủ điều kiện PCCC, không khắc phục ngay lỗi PCCC. Do đó việc đình chỉ là để khắc phục, hạn chế các trường hợp nguy hiểm khiến cháy nổ có thể xảy ra.
Thượng tá Hà thông tin quy định về PCCC nghiêm ngặt nhưng trong quá trình kiểm tra, có một số cơ sở "lách" các quy định về đăng ký dịch vụ karaoke bằng việc đăng ký hình thức kinh doanh nhà hàng, cơ sở thu âm hoặc hình thức khác để không phải thực hiện quy định PCCC. Chưa kể, việc trang bị thiết bị PCCC tốn kém nên nhiều cơ sở vi phạm không đăng ký dịch vụ kinh doanh karaoke.
Cũng qua kiểm tra, một số cơ sở ngắt tín hiệu báo cháy trong các phòng karaoke vì sợ việc hút thuốc gây báo cháy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Một số cơ sở tận dụng lối thoát hiểm hành lang bố trí bàn ghế cho khách làm cản trở lối thoát hiểm; hệ thống điện không đảm bảo an toàn, để điện gần với thiết bị gây cháy; lực lượng bảo vệ xử lý sự cố cháy không đảm bảo yêu cầu….
Năm 2023, người dân không còn dùng sổ hộ khẩu Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM đang tập trung lực lượng làm CCCD cho những người dân còn lại với mục tiêu 100% người dân đủ điều kiện được cấp CCCD. Từ đó đảm bảo sang năm 2023, người dân không còn sử dụng sổ hộ khẩu. Thượng tá Hà mong muốn người dân có sai sót thông tin hoặc chưa được cấp CCCD thì liên hệ ngay với công an địa phương để được giải quyết. Đối với trường hợp thông tin nơi thường trú của cá nhân quá dài, không thể ghi hết vào CCCD thì Thượng tá Hà cho biết số lượng này không nhiều. Ông cho biết theo biểu mẫu CCCD, tại mục địa chỉ thường trú có tối đa 58 ký tự với hai dòng. Trường hợp thông tin dài hơn thì lực lượng chức năng sẽ viết tắt nhưng vẫn đảm bảo đủ thông tin. Tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch, người dân cần ghi đầy đủ thông tin để khi quét mã QR trên CCCD có thể hiện đầy đủ thông tin, đảm bảo tính chính xác trong quá trình làm hồ sơ. |
Nguồn: [Link nguồn]
170 người là đại diện các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, mát-xa, cửa hàng ăn uống đã học cách sử dụng bình chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi cháy nổ.