Công an khóa xe vi phạm thay vì đưa về bãi tạm giữ

Sự kiện: Tin ngắn

Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa thực hiện khóa bánh xe đối với những ô tô vi phạm quy định đỗ xe trên nhiều tuyến đường của TP.

Thời gian vừa qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về việc Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) khóa bánh xe vi phạm đỗ xe tại các tuyến đường cấm đỗ ngày chẵn, ngày lẻ.

Khóa bánh xe, dán thông báo trên kính

Theo phản ánh, Công an TP Nha Trang đã thực hiện việc khóa bánh xe đối với những ô tô vi phạm quy định đỗ xe trên các tuyến đường của TP. Đồng thời, lập biên bản hành chính đối với xe vi phạm và dán thông báo trên kính chắn gió, yêu cầu người điều khiển đến trụ sở Đội CSGT - trật tự Công an TP xử lý.

Công an TP Nha Trang đang khóa bánh xe một ô tô vi phạm đỗ xe trên đường Yersin vào ngày 11-6. Ảnh: HUỲNH HẢI

Công an TP Nha Trang đang khóa bánh xe một ô tô vi phạm đỗ xe trên đường Yersin vào ngày 11-6. Ảnh: HUỲNH HẢI

Anh Chiến, một du khách từng bị khóa bánh xe, cho biết hồi tháng 4, gia đình anh đến TP Nha Trang du lịch bằng ô tô cá nhân. Anh đỗ ô tô trước một quán cà phê trên đường Yersin thì bị lực lượng chức năng khóa bánh xe.

“Du khách lần đầu đến TP Nha Trang không quen thuộc đường phố rất dễ vi phạm và lúng túng trong việc xử lý biên bản. Bên cạnh đó, du khách thường đi du lịch vào cuối tuần nên việc xử lý biên bản cũng khó khăn khi đóng phạt” - anh Chiến nói.

Ngoài ra, anh Chiến cũng cho rằng khóa bánh xe khiến ô tô không thể di dời nếu xảy ra cháy nổ, hỏng hóc và những thiệt hại khác cho người dân.

Ông T, nhân viên một khách sạn trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Lộc Thọ, cho rằng việc xử phạt vi phạm đỗ xe để nâng cao ý thức của người dân, tránh gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Nha Trang là TP du lịch vì vậy chính quyền cần quy định rõ ràng thời gian chuyển tiếp giữa ngày chẵn, ngày lẻ.

“Du khách đỗ xe nghỉ ngơi tối nay đúng quy định nhưng sáng hôm sau thì đã thành sai. Chúng ta nên quy định rõ ràng thời gian, tránh tình trạng du khách ngủ một đêm đã bị khóa bánh xe” - ông T nói.

Công an, chính quyền TP Nha Trang nói gì?

Ngày 29-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Trần Văn Giang, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết: “Việc biển báo cấm đỗ ngày chẵn, ngày lẻ, khóa bánh xe vi phạm thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND TP Nha Trang. Chúng tôi cũng muốn tuyên truyền cho du khách khi đến TP biển Nha Trang” - Đại tá Giang nói.

Lãnh đạo TP Nha Trang cho biết trong quá trình thực hiện việc khóa bánh xe vi phạm, TP sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân, du khách cũng như người vi phạm để sàng lọc, điều chỉnh. Từ đó, chúng tôi thực thi vấn đề này tốt hơn dựa trên quy định của pháp luật và đảm bảo hình ảnh TP du lịch biển Nha Trang.

Ông Lưu Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho rằng việc khóa bánh xe theo các quy định pháp luật không cấm. Vì đây là biện pháp do địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo được tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Ông Nhân viện dẫn Điều 82 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, lực lượng chức năng có quyền tạm giữ xe, giấy tờ liên quan đến người điều khiển và xe vi phạm để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Lực lượng chức năng sẽ dùng xe cứu hộ để đưa xe về kho bãi tang vật nếu chủ xe hoặc người điều khiển cố tình tránh né. Tuy nhiên, việc này có chi phí cao và xe vi phạm lưu kho bãi dễ gây cháy nổ. Vì vậy, năm 2018, các lực lượng chức năng TP Nha Trang đã họp bàn, góp ý và đưa ra giải pháp khóa bánh xe đối với ô tô đỗ sai quy định. Giải pháp này được HĐND TP Nha Trang thống nhất về việc phê duyệt chủ trương xử lý ô tô đỗ sai quy định.

Theo ông Nhân, thời gian qua TP đã lắp đặt các biển báo cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ của tháng với mục đích hạn chế ô tô đỗ cùng lúc hai bên trên một tuyến đường, gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp đậu xe qua đêm, thậm chí nhiều chủ ô tô vẫn xem lòng đường là bãi đỗ xe cá nhân nên phủ bạt đỗ nhiều ngày. Việc này ảnh hưởng đến các xe khác lưu thông và gây ùn tắc.

Địa phương này cho rằng khóa bánh xe là giải pháp hữu hiệu đối với lực lượng chức năng cũng như nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

“Qua thời gian triển khai biện pháp khóa bánh xe, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP được ổn định, tạo sự đồng thuận cho người dân cũng như cử tri TP và tạo hình ảnh TP đẹp trong lòng du khách” - ông Nhân nhận xét.

Phó chủ tịch TP Nha Trang thông tin thêm các khu vực trọng điểm, nút giao thông và các giao lộ quan trọng có camera giám sát. Tuy nhiên, hệ thống camera này giám sát an ninh, phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm.

Cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật của TP chưa đảm bảo đồng bộ theo đề án của Bộ Công an. Vì vậy, TP Nha Trang chưa thể triển khai việc xử phạt nguội trên địa bàn.

Từ khi thực hiện khóa bánh xe, hơn 5.800 ô tô vi phạm

Toàn TP Nha Trang có 58 tuyến đường có biển báo cấm dừng, cấm đỗ đối với ô tô. Trong đó, nhiều tuyến đường có biển báo cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ.

TP Nha Trang thông tin từ khi thực hiện việc khóa bánh xe vi phạm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 5.870 trường hợp ô tô dừng, đỗ sai quy định. Tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỉ đồng.

Cảnh sát mặc thường phục có quyền dừng xe vi phạm giao thông?

Theo quy định, lực lượng công an được áp dụng biện pháp hóa trang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông và trấn áp tội phạm như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Hải ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN