Công an được nổ súng: Dễ dẫn đến lạm quyền?
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ do Bộ Công an soạn thảo có nhiều nội dung chưa rõ, dễ dẫn đến lạm quyền.
Viện lý do “tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp”, Bộ Công an đang dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Theo dự thảo nghị định, người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này có nhiều điều bất ổn, dễ dẫn đến sự lạm quyền.
Nhiều quy định chưa rõ
Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011 của UBTV Quốc hội (về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) đã quy định khá rõ trường hợp nào được bắn súng, trường hợp nào không. Theo đó, người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Trong khi đó, Điều 18 dự thảo nghị định lại quy định: “Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực... Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm...”.
Giảng viên Nguyễn Đình Thắm (khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) nhận xét: “Quy định này của dự thảo có phần tối nghĩa hơn các quy định hiện hành”. Ông Thắm phân tích: “Sẽ không ổn nếu để lực lượng thi hành công vụ tự dựa vào những dấu hiệu ban đầu để xác định tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cái gọi là căn cứ thực tế để nổ súng cũng không rõ vì chưa đưa ra định lượng cụ thể. Trên thực tế có nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô khác nhau. Có trường hợp người thực thi nhiệm vụ chia thành nhiều nhóm, nhiều đội nhỏ với tính chất công việc khác nhau. Nếu không xác định đúng tính chất, mức độ chống đối mà nổ súng khi chưa thật sự cần thiết thì sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và định tội danh”.
Người dân hỗ trợ, khống chế một thanh niên có hành vi chống đối CSGT Rạch Chiếc, Công an TP.HCM. Ảnh: Đăng Lê
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) lưu ý: “Hành vi tấn công người đang thi hành công vụ phải được “đặt tên” rõ để ngăn chặn chứ không thể trao quyền cho người thi hành công vụ nhận diện. Khi nghi ngờ tội phạm, các cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện pháp tư pháp để củng cố chứng cứ trong thời gian dài mới có thể kết luận được. Do vậy, không thể cho rằng cứ thấy có dấu hiệu nguy hiểm là có thể nổ súng, điều này rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng tràn lan”.
Cách nào khắc phục?
Theo ThS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), trong quá trình thực thi Pháp lệnh 16/2011, nếu thấy có khó khăn làm bó tay người thực hiện, Bộ Công an có thể khiến nghị chỉnh sửa pháp lệnh. Ngược lại, nếu chỉ là những vướng mắc về nghiệp vụ, Bộ Công an chỉ cần ban hành thông tư hướng dẫn thi hành một số nội dung của pháp lệnh là đủ. Do có giá trị thấp hơn và nội dung không thể trái với pháp lệnh của UBTV Quốc hội nên nghị định của Chính phủ không thể quy định nội dung khác. Ví dụ: việc giải thích các tình huống được nổ súng tại nghị định không thể trái với pháp lệnh.
Thẩm phán Phạm Công Hùng thì cho rằng thông tư hay nghị định không quan trọng vì nó đều là văn bản mang tính hướng dẫn, làm rõ các quy định của pháp lệnh. Cả hai đều không được cao hơn và mâu thuẫn với pháp lệnh. Tuy nhiên, đã là giải thích thì phải rõ nghĩa hơn cái ban đầu. Văn bản hướng dẫn không được “đẻ” ra những vấn đề khác với pháp lệnh hiện hành. Nên chăng Bộ Công an chỉ cần hướng dẫn những trường hợp nào được coi là tình thế cấp thiết, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi hành công vụ. Nếu thật sự nguy hiểm tới tính mạng thì nổ súng, còn không chỉ cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ khống chế, bắt giữ xử lý là đủ.
Bảy trường hợp công an được nổ súng (Theo khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011) Chỉ được bắn chỉ thiên HÙNG ANH Những vụ hành hung, tấn công cảnh sát Nổ súng trực tiếp vào người là sao? Thiếu tướng NGUYỄN VĂN ON, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang THÁI HIẾU ghi |