"Công an, dù gạt tay hay đánh phóng viên đều... không bình thường”
Với người thực thi công vụ, dù gạt tay hay đánh phóng viên đều là hành vi không bình thường, rất đáng chê trách.
"Công an dù gạt tay hay đánh phóng viên đều không bình thường"
Đó là quan điểm của ông Lê Như Tiến - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đưa ra sau khi có kết luận của Công an TP Hà Nội về việc công an xô xát với PV báo Tuổi trẻ trên cầu Nhật Tân hôm 23/9.
Theo ông Lê Như Tiến, Luật báo chí (sửa đổi) thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Luật báo chí cũng ghi rõ những hành vi nghiêm cấm như cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, thân thể, tính mạng của nhà báo; nghiêm cấm thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo….
“Khi báo chí hành nghề là thực hiện thông tin truyền thông về một sự kiện đối với công chúng. Cá nhân nào xâm phạm quy định trên đều là vi phạm pháp luật. Hơn thế, người của cơ quan bảo vệ pháp luật mà vi phạm lại càng nghiêm trọng hơn, nên không thể vì một lý do gì mà biện minh để giảm nhẹ hành vi vi phạm đó được, dù là anh ta giơ tay lên gạt hay đánh đều là hành vi không bình thường” – ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Tiến cũng thẳng thắn nhấn mạnh rằng, hành động của những người thực thi công vụ trong vụ việc là không bình thường và rất đáng chê trách.
Ông Lê Như Tiến cho rằng dù hành vì của công an là đánh hay gạt tay cũng đều rất đáng chê trách
“Tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan bảo vệ quyền lợi nhà báo, Hội nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin – truyền thông với tư cách quản lý nhà nước về báo chí, và đặc biệt người đứng đầu cơ quan báo chí có nhà báo bị xâm hại phải lên tiếng quyết liệt vụ việc được xử lý nghiêm, không tạo tiền lệ xấu về sau” – ông Tiến nói và cho rằng, sự việc đã xảy ra, không thể nói xin lỗi là xong, mà đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc.
Ông Tiến cho rằng ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, và cũng đã có hình thức xử lý người vi phạm là rất đáng biểu dương, nhưng hình thức đó đã hợp lý hay chưa thì phải xem xét lại.
Về quyết định xử phạt phóng viên Quang Thế vì xâm phạm hiện trường, đi vào và chụp ảnh ở khu vực cấm, ông Lê Như Tiến cho rằng nếu khu vực hiện trường là khu vực cần bảo vệ và nghiêm cấm phóng viên thì phải có bảng thông báo, có căng dây, nếu không thông báo mà sau này ra quyết định xử phạt thì những người thực thi công vụ đã có sơ hở.
Trước đó, chiều tối 29/9, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thông tin kết luận ban đầu về vụ “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.
Theo ông Ngọc, khi lực lượng công an đang bảo vệ hiện trường, có một số phóng viên tới hiện trường để tác nghiệp không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu nên giữa hai bên xảy ra xô xát.
Chiến sĩ cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng (23 tuổi, công tác tại đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh) có dùng tay gạt trúng vào má phóng viên Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào phóng viên Quang Thế. Còn một đồng chí khác là Nguyễn Văn Thuyên gạt tay vào một máy quay.
Kết luận của công an cho hay đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ Công an Ngô Quang Hưng, còn đối với Nguyễn Văn Thuyên do chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể đối với ai đã yêu cầu kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm.
Trong khi đó, PV báo Tuổi trẻ phải nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các 6 hành vi vi phạm và mức xử phạt là hơn 14 triệu đồng.