Công an điều tra vụ cơm trắng chuyển màu hồng ở Vũng Tàu

Sau khi nhận tin báo từ người dân về việc cơm bị đổi màu sau 2 đêm, Công an TP.Vũng Tàu đã thu giữ mẫu phẩm để điều tra.

Công an điều tra vụ cơm trắng chuyển màu hồng ở Vũng Tàu - 1

Cơm bị chuyển màu sau 2 đêm, xảy ra ở TP.Vũng Tàu. (Ảnh: Người lao động)

Sau vụ cơm chuyển màu đỏ xảy ra ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), một người dân ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa báo cáo thêm một vụ việc tương tự với hiện tượng cơm chuyển màu hồng.

Sáng 13.4, Công an TP.Vũng Tàu đã thu giữ mẫu phẩm tại nhà người dân và niêm phong gần 500kg gạo tại đại lý để kiểm tra.

Vụ việc xảy ra tại nhà bà T.T.H (đường Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bà H. cho biết, bà nấu cơm, sau đó cho ra tô rồi để qua 2 đêm thì cơm bị chuyển sang màu hồng.

Cụ thể, giữa tháng 3.2016, bà mua 10kg gạo nở xốp ở một đại lý gạo tại TP.Vũng Tàu, sau đó ăn hết. Đến cuối tháng 3, bà tiếp tục mua thêm 10kg loại gạo này.

Ngày 9.4, bà H. nấu cơm nhưng không ăn. Sang hôm sau (ngày 10.4), gia đình bà H. lại có tiệc nên cũng không ai ăn cơm, và đã bới cơm ra tô, dùng lồng bàn đậy lại.

Tới sáng 11.4, một vài hạt cơm bắt đầu bị chuyển màu hồng. Đến trưa cùng ngày, phần lớn lượng cơm trong tô đã chuyển sang màu hồng khiến bà lo lắng và thông báo cho Công an TP.Vũng Tàu.

Đối với vụ việc này, một cán bộ Công an TP.Vũng Tàu xác nhận, cơ quan này đang vào cuộc điều tra và chưa thể cung cấp các thông tin liên quan.

Công an điều tra vụ cơm trắng chuyển màu hồng ở Vũng Tàu - 2

Các gói gạo được niêm phong để phục vụ điều tra. (Ảnh: Người lao động)

Trao đổi với PV chiều 13.4, bà Phạm Thị Thúy Yến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác nhận vụ việc thông qua tin báo từ các cán bộ cùng cơ quan chứ chưa nhận được văn bản chính thức. Hiện, các mẫu phẩm đang được công an thu giữ và Chi cục Quản lý Nông lâm sản (thuộc Sở NN&PT NN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã lấy mẫu..

Bà Yến cho biết, Sở NN&PT NN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự định sẽ nấu thử cơm từ loại gạo thu được. Nếu ghi nhận cơm có hiện tượng đổi màu như người dân thông báo thì sẽ đưa đi kiểm định, phân tích kỹ hơn.

“Nếu nấu cơm từ loại gạo đó rồi để vài ngày mà bị chuyển màu đỏ thì mình truy nguyên nguồn gốc xem người đó mua từ đâu. Ngược lại, nếu không có hiện tượng gì khác thường thì sẽ phải điều tra theo hướng khác và sẽ phải trả lại gạo cho đại lý”, bà Yến nói.

“Về lâu dài, trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phải hướng dẫn cho nhà sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, có thể truy nguyên được nguồn gốc. Đồng thời, phải hướng dẫn người dân mua lương thực, thực phẩm ở đâu cho an toàn. Giải pháp tốt nhất là phải phòng ngừa trước”, bà Yến nói thêm.

Trước đó, vụ cơm chuyển màu đỏ ở TP.HCM đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Sau khi nấu thử cơm từ cùng loại gạo trong vụ việc rồi để qua 2 đêm, Sở NN&PTNN TP.HCM khẳng định, gạo không có vấn đề. Còn về mẫu cơm bị đổi màu, do mẫu phẩm quá ít nên cơ quan chức năng TP.HCM chưa thể xác định nguyên nhân gây đổi màu. Trong vụ việc này, phóng viên cũng đã nấu thử cơm từ cùng loại gạo và để qua 3 đêm mà không ghi nhận hiện tượng gì khác thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN