Công an đã trả gần 45 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân
Tính đến nay, ngành công an đã in và trả gần 45 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân.
Bộ Công an mới đây có báo cáo về kết quả khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Công an, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức vận hành với 15 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam; được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên từ cơ sở bởi gần 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã trên toàn quốc.
Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành công an đã gắn mã số định danh cá nhân cho 100% công dân toàn quốc (đối với người được cấp thẻ CCCD thì mã số định danh cá nhân chính là số thẻ CCCD; đối với người chưa được cấp thẻ, đã thông báo bằng văn bản đến cho công dân, có kèm theo mã QR).
Cùng với đó, lực lượng công an triển khai thu nhận 58 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip; in, trả gần 45 triệu thẻ cho công dân và đang tích cực hoàn thành cấp thẻ cho 100% công dân đủ điều kiện.
Tính đến nay, ngành công an đã in và trả gần 45 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân
Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo xây dựng và triển khai bốn phần mềm dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Những phần mềm này gồm: (1) phần mềm quản lý công dân vùng dịch, (2) phần mềm quản lý công dân diện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, (3) phần mềm quản lý tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19, (4) phần mềm quản lý công dân diện F0 và truy vết F1.
Đối với phần mềm quản lý công dân vùng dịch, đây là phần mềm được triển khai trên nền tảng web và ứng dụng VNEID trên điện thoại di động để khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa để kiểm soát di chuyển.
Đến nay, phần mềm đã được triển khai trên toàn quốc với trên 2,5 triệu tài khoản người dùng, 7.649 tài khoản tại chốt kiểm soát, quản lý 94.938 người vận chuyển hàng hóa (shipper)…
Đặc biệt, phần mềm triển khai áp dụng tại TP.HCM đã mang lại hiệu quả rõ nét. Việc lắp đặt 135 thiết bị camera quét mã QR tại 120 chốt trên địa bàn thành phố giúp phát hiện 952 trường hợp F0 di chuyển qua các chốt kiểm dịch, qua đó phát hiện 389.216 công dân nguy cơ cao là F1; kiểm soát hoạt động của 33.354 shipper trên địa bàn...
Đối với phần mềm quản lý công dân diện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 68, đã cập nhật trên hệ thống thông tin của 1.212.759 trường hợp thuộc diện hỗ trợ chính sách, trong đó 1.104.979 trường họp đã được hỗ trợ.
Thông qua phần mềm này, dữ liệu công dân thuộc diện hỗ trợ chính sách được đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (kể cả công dân tạm trú, lưu trú, lang thang cơ nhỡ), bảo đảm chính xác, chi trả đúng đối tượng, công dân chỉ nhận một lần trong một chính sách hỗ trợ, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng tiêu cực, chi trả sai đối tượng.
Đối với phần mềm quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19, phần mềm này hỗ trợ quản lý tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm và kế hoạch cung ứng vaccine tiêm thay thế thủ công; kiểm soát thông qua thẻ CCCD giúp thực hiện kê khai và đăng ký nhanh chóng, chính xác; tránh ùn ứ, tụ tập đông người tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ; công dân được chủ động về lịch tiêm tránh mất thời gian.
Đáng chú ý, Bộ Công an cho hay từ nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia và thông tin từ các phần mềm nêu trên, Bộ này đang chỉ đạo thực hiện giải pháp sử dụng thẻ CCCD gắn chip để kiểm soát việc di chuyển của công dân trong điều kiện “bình thường mới”.
Theo đó, các thông tin về công dân (y tế, chính sách xã hội, bảo hiểm, giấy phép lái xe...) được tích họp trên thẻ căn cước, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và công tác quản lý xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu tích hợp giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội và nhiều...