Công an cơ sở, anh ở đâu?: Người trong cuộc nói gì?
Công an cơ sở một số địa phương thừa nhận vì nhiều lý do khiến họ đến nơi trình báo chậm, làm người dân hiểu sai về trách nhiệm đối với người thi hành nhiệm vụ
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh về sự chậm trễ của một số công an cơ sở khi tiếp nhận thông tin từ người dân trình báo, những nơi này đã đưa ra nhiều lý do khác nhau.
Có đến nhưng hơi trễ
Công an phường 5, quận Gò Vấp cho biết do nhiều việc nên đêm 6-6, khi tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh tình trạng gái bán dâm ngang nhiên mời chào trên đường Phan Văn Trị, đơn vị này không kịp xuống xử lý. “Anh em có đến nhưng hơi trễ vì hôm đó bận bắt cướp, xử lý mâu thuẫn từ các hộ dân…” - một cán bộ Công an phường 5 nói.
Trong khi đó, theo đại diện Công an quận Tân Bình, song song với số điện thoại đường dây nóng của các phường, đơn vị này cũng công khai số điện thoại cá nhân của cán bộ, chiến sĩ để người dân tiện liên lạc khi có thông tin cần trình báo. Đối với trường hợp ở phường 13, quận Tân Bình mà Báo Người Lao Động phản ánh về tình trạng đường dây nóng nguội lạnh, phường sẽ kiểm tra và có hướng chấn chỉnh.
Người dân rất cần lực lượng công an quyết liệt với tội phạm. Trong ảnh: Công an quận 1, TP HCM bắt một đối tượng buôn bán ma túy Ảnh: PHẠM DŨNG
Một cán bộ Công an xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết tại các buổi họp thường kỳ ở xã, người dân cũng phản ánh về tình trạng lực lượng công an khi tiếp nhận thông tin thường đến chậm hoặc không đến nhưng khi lãnh đạo xác minh thì không có chuyện đó. “Nhiều khi người dân báo tin nhưng công an xã xuống xác minh thì không có. Còn thông tin người dân trình báo về một số đối tượng nghi vấn mua bán ma túy ở Trường Tiểu học Tây Bắc Lân, công an xã đều xuống xác minh, bắt giữ một số đối tượng. Trách nhiệm của chúng tôi là khi tiếp nhận thông tin thì phải có mặt để xử lý” - vị này khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, hằng tuần, địa phương đều họp giao ban để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Từ đó, xã đã chỉ đạo công an thường xuyên tổ chức tuần tra, nếu cần thiết sẽ kiến nghị hỗ trợ lực lượng từ Công an huyện Hóc Môn. “Hiện tại, xã đã lắp đặt 47 camera an ninh quanh khu vực Bến xe An Sương và những điểm xuất hiện nhiều đối tượng nghiện ngập, sống lang thang nên kéo giảm tội phạm đáng kể” - bà Linh thông tin.
Nhận tin báo, phải có mặt ngay
Theo chuyên gia tội phạm học Phạm Hữu Hùng (từng giảng dạy tại Trường ĐH Luật TP HCM, hiện công tác ở Singapore), ông có thời gian sinh sống tại thủ đô Bangkok - Thái Lan và khá bất ngờ khi thấy các cửa hàng, tạp hóa, quán ăn không có bảo vệ, người giữ xe máy. Ngoài nạn kẹt xe, người dân ở Bangkok ít lo lắng chuyện trộm cướp. “Tôi có thời gian tìm hiểu về cách quản lý an ninh trật tự ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Thủ đô Bangkok của Thái Lan và Singapore thực hiện vấn đề này rất tốt. Tội phạm ít xảy ra, mọi diễn biến của các đối tượng có tiền án, tiền sự đều được quản lý chặt” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng công tác quản lý hành chính là vấn đề mấu chốt để giảm bớt tội phạm. Trong đó, vai trò của công an cơ sở là quan trọng nhất. “Đây là lực lượng gần gũi, có mối quan hệ sát với người dân và địa bàn nhất. Mỗi khi có đối tượng lạ, đối tượng nghi vấn về sinh sống thì người biết đầu tiên chắc chắn là công an cơ sở. Nếu lực lượng này làm tốt công tác dân vận, tiếp xúc nhiều sẽ nắm bắt được mọi hoạt động của tội phạm. Vì vậy, tôi nghĩ không cần tổ chức các chuyên đề trấn áp tội phạm, truy quét tội phạm mà chỉ cần thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn là được” - ông Hùng nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM - cho biết trách nhiệm của lực lượng công an phường, công an khu vực là khi tiếp nhận thông tin trình báo thì phải cử lực lượng xuống hiện trường để xác minh, giải quyết vụ việc. “Thông thường, khi nhận được tin báo, lực lượng công an phải có mặt ngay để giải quyết chứ không có chuyện đến chậm hoặc không đến được. Chúng tôi đã nắm được những thông tin phản ánh từ Báo Người Lao Động và đang tiến hành xác minh” - ông Quang nói.
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, công an cơ sở là lực lượng gần dân, nắm bắt nhiều thông tin. Vì vậy, khi dân phản ánh thì công an phải có mặt ngay lập tức để ghi nhận. “Công an TP HCM đã triển khai kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của lực lượng công an cơ sở” - ông Phong cho biết.
Chấn chỉnh cách làm việc Ngày 14-6, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện liên quan đến loạt bài “Công an cơ sở, anh ở đâu?” đăng trên Báo Người Lao Động. Từ phản ánh của Báo Người Lao Động, UBND TP giao UBND 24 quận - huyện chỉ đạo công an quận - huyện, phường - xã chấn chỉnh lại tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc; xử lý triệt để thông tin do nhân dân cung cấp đến nơi đến chốn, nhất là những tin báo về tội phạm và tệ nạn xã hội. Riêng UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, UBND TP yêu cầu khẩn trương làm rõ nội dung phản ánh mà Báo Người Lao Động nêu; báo cáo kết quả xử lý. |