Công an cơ sở, anh ở đâu?

Tại một số quận - huyện ở TP HCM, lực lượng công an cơ sở khi nhận được tin tiêu cực báo từ người dân thì phản ứng chậm, thậm chí không đến hiện trường xác minh.

Khoảng 14 giờ 45 phút ngày 4-6, người dân lưu thông trên đường Cộng Hòa (trước tòa nhà E Town 2, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) thì phát hiện một người nghiện nằm vật vờ bên lề đường để chích ma túy. Theo điều tra của chúng tôi, đối tượng này tên Nguyễn Hoàng Đại Bàng (SN 1973, ngụ quận 10) thường xuyên đến khu vực Bến xe An Sương để mua ma túy rồi tới đường Cộng Hòa để “phê”. Tuy nhiên lần này, Đại Bàng ngoài việc chích ma túy còn có hành vi cầm kim tiêm quơ loạn xạ khiến nhiều người đi đường hoảng sợ.

“Đường dây nóng mà nguội quá”

Thấy cảnh tượng này, anh Trần Nam (một người đi đường) đã liên hệ tổng đài 1080 xin số điện thoại của công an khu vực để trình báo vụ việc. Khoảng 14 giờ 57 phút cùng ngày, anh Nam liên hệ đến số 0838122xxx, đầu dây bên kia thông báo đây là số điện thoại của Công an phường 13, quận Tân Bình. Trong điện thoại, anh Nam nói: “Hiện có một người nghiện đang chích ma túy trên đường Cộng Hòa. Tôi thông báo để công an phường có hướng xử lý”.

Sau khi báo tin, anh Nam cố gắng bám chân theo Đại Bàng suốt 30 phút nhưng vẫn chưa thấy một chiến sĩ công an có mặt. “Đường dây nóng mà nguội quá, nhận tin đã 30 phút nhưng không có ai đến giải quyết” - anh Nam thất vọng.

Công an cơ sở, anh ở đâu? - 1

Đối tượng nghiện vật vờ trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM khiến người dân lo sợ Ảnh: LÊ PHONG

Theo phản ánh của người dân ngụ trên địa bàn xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, nhiều lần họ gọi điện đến trực ban Công an xã thông báo về các nhóm đối tượng gây rối, đánh nhau, thậm chí có dấu hiệu mua bán ma túy... trên địa bàn nhưng lực lượng công an xã phản ứng chậm hoặc không đến. Anh P. (người kinh doanh ở địa phương) cho hay khu vực gần Trường Tiểu học Tây Bắc Lân (ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm) là nơi nhức nhối về tệ nạn ma túy.

“Ở bên hông trường thường xuyên xuất hiện nhiều đối tượng nghiện ngập, có dấu hiệu mua bán ma túy nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý. Nói đâu xa, cách đây mấy ngày, tôi có chứng kiến lực lượng công an xã đến vây bắt một số đối tượng có dấu hiệu mua bán ma túy. Thế nhưng, không hiểu sao ít ngày sau, các đối tượng lại được thả, quay về chỗ này hoạt động bình thường khiến người dân rất hoang mang. Sau thời điểm đó, tôi cũng nhiều lần gọi điện báo tin về các đối tượng nghi vấn buôn bán ma túy nhưng không thấy công an xã đến giải quyết hoặc đến chậm” - anh P. nói.

“Tại anh em nhiều việc”

Để kiểm chứng thông tin, trưa 17-5, phóng viên Báo Người Lao Động gọi điện vào đường dây nóng của Công an xã Bà Điểm thông báo có nhóm người đánh bạc ăn tiền trên đường Nguyễn Ảnh Thủ. Người trực điện thoại tiếp nhận thông tin và hỏi địa chỉ nơi nhóm người đánh bạc để đến xác minh, xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi ngồi quan sát cả giờ mà không thấy lực lượng Công an xã Bà Điểm đến xử lý như thông báo. Trưa 6-6, thấy đối tượng Tèo (dân chuyên buôn bán ma túy) đang giao dịch với con nghiện ngay cạnh Bến xe An Sương, một lần nữa chúng tôi liên hệ trực ban Công an xã Bà Điểm để thông báo tình hình nhưng không thấy ai xuất hiện.

Đến tối 6-6, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận được tình trạng gái mại dâm nườm nượp ngã giá với khách trên đường Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, đoạn đối diện nhà hàng Vườn Cau. Trong vai người dân chứng kiến sự việc phản cảm, phóng viên đã gọi đến số điện thoại của công an phường này để thông báo. Một trực ban bắt máy và khẳng định sẽ có lực lượng xuống địa bàn để xử lý. Thế nhưng, đến hơn một giờ sau vẫn không có bất cứ bóng dáng công an viên nào đến hiện trường. Khi chúng tôi gọi lại thắc mắc về sự “ngó lơ” đầy bất thường này, một trực ban của Công an phường 5 phân bua: “Tại tối nay mấy anh em nhiều việc quá nên chưa xuống kịp”.

Mất đồ, ngại báo công an

Anh N.V (ngụ quận Tân Bình) cho biết ngày 17-5, một thanh niên đi vào trụ sở công ty của anh giả dạng mời mua báo để trộm điện thoại. Sau khi xem lại hình ảnh từ camera an ninh, anh V. nhìn rõ khuôn mặt thủ phạm và mọi diễn biến vụ việc nên trình báo công an địa phương. “Khi đến công an làm việc, tôi nói có đoạn clip ghi lại vụ việc, mấy anh xử lý được không? Tiếp nhận thông tin, một công an cho biết ở đây chỉ quản lý vân tay chứ không ai quản lý khuôn mặt rồi yêu cầu tôi chép dữ liệu vào USB để xác minh” - anh V. kể.

Theo anh V., sau khi nộp lại chứng cứ, anh có hỏi: “Khả năng tìm ra tên trộm dễ không cán bộ?”. Một cán bộ công an khác trả lời: “Chờ chừng nào đối tượng quay lại ăn trộm rồi bắt luôn”. Suốt nhiều ngày liền, anh V. đợi công an phường, công an khu vực đến lấy dữ liệu từ clip nhưng không thấy ai nên cũng buông xuôi. Anh V. cho biết sở dĩ một số người khi bị mất đồ hoặc cướp giật lại chọn phương án im lặng vì họ nghĩ báo công an cũng khó tìm ra mà còn bị gọi lên gọi xuống rất phiền phức. “Nói thật, giờ mất đồ tôi rất ngại báo công an” - anh V. nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong- Sỹ Hưng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN