Con trai hiến tạng cứu người: Giọt nước mắt nghẹn ngào của người cha

Sự kiện: Thời sự

Người cha ấy – người lính Cụ Hồ từng mạnh mẽ, rắn rỏi, thường xuyên chứng kiến cảnh chết chóc nơi chiến trường giờ lại không thể đứng vững trước nỗi đau mất con.

Hiến tạng – Cho đi là còn mãi

Có người mẹ hằng đêm vẫn khóc vì nhớ con, người vợ không ngủ nổi vì nhớ chồng… Mất đi một người thân yêu là đớn đau vô cùng đối với những người ở lại nhưng ở đời, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” có ai chống được?

Người Việt vốn tín tâm, họ mong muốn con người sống thế nào thì khi chết cũng phải “toàn thây”. Chính vì thế, có không ít người mẹ, người vợ đã bị “miệng đời” giày xéo tâm can khi quyết định hiến tạng của con, chồng mình cho y học để cứu người.

Thế nhưng, sau tất cả, họ vẫn có quyết định của riêng mình để làm một nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng dám làm. Một phần cơ thể của người đã khuất sẽ mang lại sự sống cho những người đang lâm trọng bệnh.

Cho đi là còn mãi. Một người mất đi nhưng sự sống của họ vẫn hiển hiện trên cõi đời này.

Chúng tôi xin đăng tuyến bài: Hiến tạng – Cho đi là còn mãi.

Ông Be rưng rưng nước mắt khi nhớ về con trai đã mất

Ông Be rưng rưng nước mắt khi nhớ về con trai đã mất

Khóc nghẹn nhiều đêm vì nhớ con

Đã hơn 6 tháng kể từ ngày quyết định hiến tạng con trai Nguyễn Văn Chính (SN 1989), ông Nguyễn Văn Be (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) vẫn chưa nguôi ngoai trước nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.

“Cứ nhắc đến nó là tôi lại khóc. Nhiều đêm nằm nghĩ về con, nước mắt cứ tự nhiên chảy ra”, ông Chính rưng rưng.

Người lính Cụ Hồ từng mạnh mẽ, rắn rỏi, thường xuyên chứng kiến cảnh chết chóc nơi chiến trường giờ lại không thể đứng vững trước nỗi đau mất con.

Anh Chính là con trai thứ 2 của ông Be trong gia đình có 3 anh em trai. Thế nhưng, người anh cả bị khuyết tật không được như người bình thường nên anh Chính phải cáng đáng mọi việc trong nhà thay anh. Dưới anh Chính còn một người em tên Nguyễn Văn Ba (SN 1991).

Nguồn tạng của anh Chính đã cứu sống được 5 bệnh nhân khác

Nguồn tạng của anh Chính đã cứu sống được 5 bệnh nhân khác

Nhớ lại ngày nhận được tin báo con trai gặp tai nạn (6/3), ông Be cùng vợ (bà Nguyễn Thị May) vội vàng phóng xe trong đêm lên Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ. Nhìn con trai nằm trên giường bệnh thoi thóp, ông Be cùng bà May lặng người. Hai vợ chồng ôm nhau khóc nức nở, cầu trời khấn phật cho con trai qua cơn hoạn nạn.

Bác sĩ chẩn đoán anh Chính bị chấn thương sọ não, cơ hội sống không còn nhiều, gia đình nên xác định. Không phó mặc cho số phận, cả nhà đưa anh Chính lên Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, phần trăm sự sống của người thanh niên 30 tuổi đó chả đáng là bao, gia đình lại quyết tâm đưa anh lên Bệnh viện Việt Đức.

Thế nhưng, tại đây, các bác sĩ cũng nói anh Chính không thể qua khỏi, gia đình đưa anh về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Điều kỳ lạ là khi về nhà bóp bóng, thở oxy trong 1 ngày 1 đêm, thấy anh có chuyển biến tốt, gia đình đưa anh trở lại Bệnh viện Việt Đức (8/3).

Sau khi thăm khám một lần nữa, các bác sĩ nói anh Chính đã chết não. Lần này, cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã gặp gia đình vận động hiến tạng anh Chính cứu người.

“Cả 2 vợ chồng tôi không đồng ý. Tôi và vợ cùng khóc, đầu óc quay cuồng”, ông Be khóc nghẹn.

Lặng người một chút, lấy lại bình tĩnh, ông Be dẫn chúng tôi ra chợ ngoài trung tâm xã để gặp bà May vì ông sợ không kìm được nước mắt khi nhắc đến chuyện của con trai.

Cuộc đời sóng gió của cậu con trai

Chợ xã cách nhà ông Be khoảng 1 km. Ông dẫn chúng tôi vào gian hàng rau, nơi bà May hằng ngày lui tới nhặt nhạnh từng đồng nuôi gia đình. Bà May ngồi ở góc chợ, mặc chiếc áo tím, đầu quấn khăn, xung quanh là những bó rau bí, hành, thì là…

“Bây giờ các chú hỏi chuyện tôi mới trả lời chứ thời gian trước tôi không trả lời ai đâu. Con mất, đau lắm, rồi lại sợ người đời nói ra nói vào”, bà May tâm sự.

Bà bắt đầu kể về cuộc đời đầy sóng gió của cậu con trai. Từ nhỏ, nhà nghèo nên anh Chính đã phải giúp bố mẹ làm việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc anh trai và em trai.

Học hết lớp 12, anh Chính một mình vào Bình Dương để phụ bếp, học nghề nấu ăn. Cuộc sống một mình nơi đất khách quê người chẳng dễ dàng. Anh muốn mua đất làm nhà, cưới vợ trong đó nhưng hoàn cảnh khó khăn nên 3 năm sau anh trở lại Bắc.

Về quê, không có công ăn việc làm ổn định, anh Chính đi bán vịt quay ở khu vực bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội). Cũng từ đó, anh nên duyên cùng chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990) làm nghề buôn bán, giết mổ gà, vịt.

Khi ấy, chị Oanh đã có một người con riêng nhưng anh Chính vẫn hết mực yêu thương. Gia đình cấm cản nhưng bằng tình yêu mãnh liệt của mình, anh đã thuyết phục được bố mẹ và rồi đám cưới linh đình được tổ chức.

Ảnh cưới của anh Nguyễn Văn Chính và chị Nguyễn Phương Oanh

Ảnh cưới của anh Nguyễn Văn Chính và chị Nguyễn Phương Oanh

Không lâu sau đó, chị Oanh hạ sinh được một bé gái. Do cuộc sống mưu sinh, 2 vợ chồng anh Chính, chị Oanh mỗi người mỗi nơi. Anh Chính bán vịt quay xong trở về nhà nhà nội ở Chương Mỹ, còn chị Oanh buôn bán trên Mỹ Đình xong về bên ngoại cùng con. Mỗi tuần, anh chị gặp nhau 1-2 lần.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua cho đến đêm định mệnh 6/3, anh Chính trên đường về nhà sau khi đi uống rượu với bạn đã gặp tai nạn. Dù gia đình đã đưa đi nhiều viện khác nhau nhưng anh vẫn không thể qua khỏi.

“Lúc các bác sĩ và mọi người gọi chúng tôi vào bảo hiến tạng, tôi sốc. Con vừa mất xong, giờ lại mất nội tạng thì sẽ không biết như thế nào. Tôi không đồng ý nhưng sau đó, con dâu thuyết phục nhiều. Lúc bình tĩnh lại, tôi cũng nghĩ con mình đã mất rồi, nếu nội tạng con cứu được người thì coi như mình làm phúc”, bà May chia sẻ.

Ước ao cháy bỏng của người mẹ, người vợ

Phép màu đã xảy ra khi từ nguồn tạng của anh Chính, 5 cuộc đời khác đã được hồi sinh. 2 bệnh nhân suy gan, ung thư gan được anh cứu sống. Trong đó, bệnh nhân trẻ nhất nhận được một phần gan của anh Chính mới chỉ 8 tuổi.

Anh Chính cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bác sĩ chia lá gan để ghép cho hai người. Ngoài ra, 2 quả thận, tim của anh cũng được ghép thành công cho 3 người khác.

Đến hiện tại, bà May – mẹ anh Chính vẫn có một ước ao cháy bỏng là được gặp lại những người đã nhận tạng của con trai mình. Không phải để đòi hỏi về vật chất, mà để bà được thấy con trai mình như vẫn đang sống.

Bà May mong muốn gặp lại những người đã nhận được tạng của con trai mình

Bà May mong muốn gặp lại những người đã nhận được tạng của con trai mình

Về phần chị Oanh, lúc anh Chính mất, chị đang mang trong bụng đứa con thứ 2 của anh. Sau gần 8 tháng, chị đã hạ sinh thêm một bé gái nữa cho anh, chỉ tiếc là, đứa bé sinh ra không còn được hưởng hơi ấm từ vòng tay người cha.

Chị Oanh chia sẻ, để đi đến quyết định hiến tạng chồng, chị mất cả một ngày để suy nghĩ. Không những vậy, chị còn phải thuyết phục bố mẹ chồng và người nhà. Đến giờ, với chị đó vẫn là quyết định khó khăn nhưng chị thấy đúng đắn nhất.

“Lúc đầu, tôi cũng định không đồng ý hiến tạng anh Chính nhưng sau khi được các bác sĩ động viên, tôi suy nghĩ lại và thấy việc làm rất có ý nghĩa nên đồng tình”, chị Oanh nói.

Nói về mong ước của mình, chị Oanh cũng như bà May, rất mong muốn được gặp lại những người đã nhận được tạng của chồng mình. Để được thấy họ sống khỏe mạnh, được thấy một phần cơ thể của chồng đang sống trên đời.

Thế nhưng, với chị, mọi chuyện đều là “tùy duyên”. Họ nhận được tạng của chồng chị là duyên, họ và gia đình chị nếu có duyên sẽ gặp lại.

------------------------

Đón đọc kỳ tiếp theo: Bà ngoại của thiên thần nhỏ nhường ánh sáng cho người khác: “Những kí ức về cháu vẫn như một cuốn phim” vào 13h ngày 31/1/2020 trên mục Tin tức trong ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Mẹ già hiến tạng con trai cứu 5 người: “Đau con 1, đau miệng thế gian 10”

Quyết định hiến tạng con trai khiến người mẹ già ở Hà Nội chịu không ít lời đàm tiếu của miệng đời làm nỗi đau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN