“Còn nhiều người Việt siêu giàu chưa được công bố”
“Có những người rất giàu nhưng vì không có tên trên thị trường chứng khoán nên họ vẫn là triệu phú đô la”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/7, số người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ. Hiện cứ khoảng một triệu người Việt Nam sẽ có hơn một người siêu giàu. Chuyên gia của WB cho rằng, con số này là bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết người dân vẫn cảm thấy bất ổn trước hiện trạng bất bình đẳng ngày càng tăng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, WB vừa đưa ra con số 110 người siêu giàu tại Việt Nam. Con số này được tính dựa trên giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo bà, căn cứ này đã đủ để xác định giá trị tài sản của những người siêu giàu trên hay chưa?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Ngân hàng thế giới tính giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán, cũng giống như cách tính của một số tạp chí nước ngoài. Đây là một cách tính có thể tin cậy được, vì ít nhất tất cả các tài sản trên thị trường chứng khoán được công khai. Tất nhiên, nó có biến động nhiều, cổ phiếu lúc lên, lúc xuống, ảnh hưởng đến tài sản của những người giàu có nhất.
Lâu nay, đây cũng là cách tính rất nhiều nước và tổ chức đã áp dụng. Đây là những khoản mà những người giàu công khai, nhất là tài khoản mà họ sở hữu trên thị trường chứng khoán. Bởi chứng khoán bắt buộc phải minh bạch thông tin. Họ cũng phải minh bạch số lượng cổ phiếu họ nắm giữ. Từ đó, có thể tính ra được tài sản.
Tháng 9 năm 2013, ngân hàng Thụy Sỹ đưa ra con số hơn 200 người Việt Nam siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD trở lên). Vậy theo bà, có mâu thuẫn gì ở các con số thống kê những người siêu giàu Việt Nam hay không?
Bên cạnh tài sản là chứng khoán, cũng có thể những đại gia giàu có đó những khoản khác không thể hiện trên thị trường chứng khoán.
Căn cứ như ngân hàng Thụy Sỹ là họ căn cứ vào giá trị tiền mà họ nắm được qua các kênh của ngân hàng. Bênh cạnh sàn chứng khoán, ngân hàng Thụy Sỹ còn nắm được các tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, hoặc trị giá tài sản mà những người giàu đăng kí tài sản ở ngân hàng. Đây cũng là một cách để họ căn cứ. Vì vậy, nó có thể vênh về số lượng. Nó không có mâu thuẫn gì so với thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Vậy còn một số những người giàu không phải là doanh nghiệp, hoặc đứng sau doanh nghiệp mà không có tên trên sàn chứng khoán. Bà nghĩ sao về những đối tượng này ở Việt Nam?
Đối tượng này hoàn toàn có thể có. Có chỗ này chỗ khác, họ chưa tiết lộ được ra hết tài sản của mình.
Ở đây có những trường hợp rõ nhất như ở Trung Quốc, các quan chức tham nhũng họ không thể hiện tiền của họ trên thị trường chứng khoán. Bởi họ không phải những người chủ của các công ty niêm yết hoặc là những người sở hữu các tài sản lớn trên các công ty niêm yết. Nhưng thực tế họ vẫn rất giàu.
Những con số mà báo chí đưa ra đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quan chức Trung Quốc trốn ra nước ngoài hoặc gửi tiền ra nước ngoài với trị giá hàng tỉ USD đã nói lên điều đó.
Ở Việt Nam, không ngoại trừ tình trạng này. Những con số về tham nhũng ở Việt Nam cho đến nay chưa hề công bố hay không có phát hiện lớn về tham nhũng.
Có những người rất giàu nhưng không có tên trên thị trường chứng khoán họ vẫn là triệu phú đô la.
Thứ nữa, ở Việt Nam có nguồn giàu từ đất đai. Có một số người sở hữu đất đai rất nhiều nhưng họ không công bố nên mọi người không biết. Cũng có những người mượn danh người khác để đứng tên cho những thửa đất của họ.
Theo báo cáo của Tổ chức Thịnh Vượng 2014, Việt Nam là quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất. Điều này có bất thường không trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng như hiện nay, thưa bà?
Việt Nam là một trong những nước có số người giàu tăng nhanh nhất thế giới. Điều đó rõ ràng đang tương phản với bức tranh kinh tế của Việt Nam cũng như mức thu nhập thực tế của người dân ở Việt Nam mấy năm gần đây.
Tất nhiên, nếu lý giải theo cách thống kê đưa là thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tiếp tục tăng nhanh (đến năm 2013 là gần 2.000 USD/người). Người ta vẫn có thể vin vào đó nói kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng, thu nhập người Việt Nam vẫn tăng lên. Nhưng nhìn vào bức tranh thực của nền kinh tế không mấy người tin về mức tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cao như con số công bố.
Vì vậy, càng thể hiện những nghịch lý đáng ngại. Trong khi nền kinh tế khó khăn, đông đảo người dân nghèo đi tương đối thì lại có một số người tích tụ được của cải rất lớn để trở thành rất giàu có.
Điều đó chứng tỏ mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam càng ngày càng lớn. Thông thường những thống kê của Việt Nam không nói hết lên được.
Vậy lo ngại của nhiều người về sự bất bình đẳng giàu - nghèo vẫn là dấu hỏi, thưa bà?
Theo điều tra của Bộ Lao động Thương binh Xã hội về thu nhập của người dân 2 năm 1 lần cũng chỉ chứng minh được chênh lệch thu nhập ở Việt Nam đang tăng lên. Hiện đang là mức hơn 10 lần giữa nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất. Nhưng thu nhập chỉ là một phần rất nhỏ so với tài sản của những người giàu. Có những người đi làm thu nhập 1 triệu USD nhưng cũng không đáng gì. Tài sản họ có có thể lớn hơn gấp nhiều lần.
Ở Việt Nam không chỉ quan tâm chênh lệch thu nhập đang tăng lên mà chênh lệch tài sản tăng lên còn mạnh hơn.
Sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội thể hiện qua đấy là tình trạng rất đáng báo động. Đây cũng là mầm mống cho những bất ổn xã hội ở Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Theo báo cáo về "Bất bình đẳng tại Việt Nam" được WB công bố, có đến 80% người dân sống ở các vùng đô thị bày tỏ quan ngại về bất bình đẳng giàu - nghèo trong khi tỉ lệ này ở nông thôn là 50%. Từ năm 1993 đến 2012, thu nhập bình quân của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất ở Việt Nam tăng 9% mỗi năm, thuộc nhóm các nước có tỉ lệ tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ này không xảy ra ở các khu vực còn nhiều hộ nghèo và các vùng sâu vùng xa. Theo các số liệu được công bố trước đây, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có khoảng 320 triệu phú trên sàn chứng khoán (tài sản trên một triệu USD). |