Con học cao: Bố mẹ càng kiệt quệ

"Kiệt quệ rồi chú ơi. Ở cái làng này, 95% gia đình đều phải nợ nần mỗi khi cần đến tiền”, nông dân ở thôn 9 xã Bồ Đề (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) than thở với phóng viên.

Dốt cũng chết, giỏi càng chết

Mỗi một nhân khẩu ở xã Bồ Đề (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) được chia 1,7 sào ruộng. Nhà nhiều thì một mẫu, còn lại chỉ dăm ba sào. Bồ Đề thuần nông, đang xây dựng nông thôn mới rất quyết liệt. Khí thế, hồ hởi, nhưng đi sâu vào đời sống từng thôn, từng nhà, khó khăn không phơi bày trước mắt mà cứ âm thầm đeo đẳng, không tài nào dứt ra được.

Căn nhà của gia đình ông Trần Văn Chương và bà Nguyễn Thị Lập ở thôn 9 xã Bồ Đề được xây từ năm 1997. Vậy mà gần 20 năm trời rồi gia đình ông vẫn không trát nổi xi măng.

Trong nhà, chỉ có duy nhất chiếc ti vi là có giá, xe máy đã hỏng hóc, vất thành đống sắt vụn ở bờ ao. Ông Chương than rằng, cơ sự ấy đều do việc cố nuôi con cái học hành mà ra cả.

Vợ chồng ông có ba đứa con. Người dân thôn 9 gọi chệch tên ông từ Chương thành Chữ, là bởi vì con cái, đứa nào cũng học cao, cũng đậu trường này trường nọ. Cũng vì thế mà nhà ông nợ nần nhiều nhất làng.

Đứa con gái đầu của ông bà tên là Trần Thị Hoa, học Cao đẳng kế toán ra trường ba năm nay vẫn chưa xin được việc. Dạo nó đi học, ông bà vay vốn sinh viên, mỗi năm 8 triệu đồng, cộng thêm tiền bố mẹ bù vào vừa đủ.

Ra trường, cứ ngỡ là xin được việc làm rồi phụ bố mẹ trả bớt nợ nần, nhưng nộp đơn vào đâu người ta cũng đòi tiền bôi trơn, chạy chọt. Cái khoản ấy thì ông bà chịu. Nuôi được nó học đã vã mồ hôi rồi, cái ăn còn phải tùng tiệm huống hồ là tích cóp để chạy việc cho con.

Đến cái Hường, nó học trường y vì nghe nói học y ra dễ xin việc hơn ngành kế toán. Nhưng rồi cũng như chị nó, bươn chải ở thành phố thì không có điều kiện, về quê xin việc thì chẳng nơi nào nhận vì hồ sơ không có phong bì đi kèm. Sức vóc cũng không đủ để làm ruộng, thế là nó lấy chồng khi chỉ mới 22 tuổi, để lại cho bố mẹ tấm bằng với cục nợ không biết đến bao giờ trả nổi.

Con học cao: Bố mẹ càng kiệt quệ - 1

Căn nhà ông Chương xây từ năm 1997 đến nay vẫn chưa trát nổi

Hai đứa con gái học xong, gia đình ông bà nợ đúng 50 triệu đồng, nguồn vốn vay sinh viên và vay lãi bên ngoài. “Bây giờ chẳng đứa nào có việc cả. Nợ thì phải trả, nhưng biết lấy gì mà trả đây hả chú. Mà tôi cay cú lắm. Nói không phải khoe chứ chúng nó học giỏi, nộp đơn vào mấy chỗ không được nhận, cứ tưởng là bọn nó không giỏi bằng người ta, hóa ra không phải. Họ vòi tiền, lại còn ngoài bằng cấp còn đòi hỏi thổ tả gì đấy không biết. Chú bảo tôi phải làm thế nào?". Ông Chương hỏi tôi như thế. Mà có lẽ câu hỏi ấy ông cũng đã hỏi nhiều người rồi, chẳng ai trả lời được cả.

Gia đình ông làm tới 1,2 mẫu ruộng. Mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn thóc. Nghe thì nhiều, nhưng ở nơi làm càng nhiều lỗ càng nặng này thì ruộng không phải là cứu cánh. Cuộc sống gia đình ông bà dựa vào làm thuê. Vất vả lắm. Bởi vì ở làng quê bây giờ người làm thuê nhiều hơn việc.

Ông Chương đi làm làm thợ xây, mỗi tháng trừ đi chi phí xăng xe, cơm ăn được gần 2 triệu đồng. Bà Lập đi phun thuốc trừ sâu thuê cho người ta. Cứ phun được một bình thì được trả 20 ngàn. Ngày cố gắng lắm cũng phun được tầm 4 bình. Bà vốn sức khỏe yếu, cũng biết làm nghề phun thuốc thuê là độc lắm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều lắm, nhưng không làm không được. Không có ăn còn dắt dúm qua ngày chứ không có tiền trả lãi ngân hàng thì không ổn. Còng lưng kiệt sức, ráo mồ hôi là hết tiền dù họ chẳng tiêu pha gì cả.

Hai đứa con đầu học cao chỉ tổ đổ nợ lên đầu bố mẹ. Những tưởng ông bà đã chừa hẳn chuyện đầu tư cho con cái học hành. Nhưng khi thằng út cầm giấy báo đậu đại học về khoe, cả gia đình nhìn nhau lo lắng. Không cho con đi học thì không đành, lo thì lo nhưng cuối cùng rồi cũng phải chạy vạy đủ để nó nhập trường. Nợ cũ chưa trả hết lại vay nợ mới.

Ông Chương tính rằng: Mỗi tháng “nộp” cho nó 3 triệu đồng. Nó học những 4 năm, vị chi là hơn trăm triệu chứ đâu có đùa. Chỉ cần ông hoặc bà ốm một trận thì không biết nó có theo học nổi không. Đấy là chưa kể việc học xong rồi sẽ làm gì? Có kiếm được việc làm không hay lại thất nghiệp như hai chị nó.

Ông Chương, bà Lập mơ rằng, phải chi gia đình được cái sổ hộ nghèo thì đỡ đi được vài phần. Nhưng mơ ước ấy cũng bị dập tắt từ năm ngoái. Đó là khi bà mẹ ông Chương mất, người ta không cho nhà ông nghèo nữa, vì trong gia đình đã bớt đi một người đau ốm, bớt đi một miệng ăn, một người mất sức lao động. Nuôi con ăn học đã quá sức của hai ông bà, đến đợt đóng góp để làm đường nông thôn vừa rồi thì gia đình quỵ hẳn. Có thứ gì là bán hết. Bán được ba cây xoan 4 triệu đồng, bán thêm mấy tạ thóc cũng không đủ để đóng góp. Thế là lại phải đi vay ngân hàng.

"Vặn răng ra mà đóng à?"


Thôn 9 có 162 hộ. Trưởng thôn Cù Văn Trung xác nhận những trường hợp có con đi học là khổ nhất ở nông thôn: "Mấy năm nay, số con em học xong không xin được việc nhiều lắm. Thôn này có cả chục em. Bố mẹ nợ nần, con cái không xin được việc, đứa thì đi làm công, đứa bỏ làng đi đâu không ai biết".

Khó khăn thì kể ra còn bộn, nhưng bù lại, đường làng ngõ xóm của thôn 9 rất sạch sẽ, bê tông hóa đến tận sân từng gia đình. Tôi tình cờ đến nhà ông Đỗ Văn Phương đúng lúc ông nhận giấy báo đi đóng tiền điện. Hai ông hàng xóm là Cù Văn Tính và Trần Lệnh Hưng chạy sang hỏi mượn tiền nhưng chẳng ai có để mà đi đóng cả. Nhiều nhặn gì cho cam, mỗi nhà có hơn trăm ngàn, không vay nổi ai thì đúng là sợ thật.

Con học cao: Bố mẹ càng kiệt quệ - 2

Những gia đình như ông Phương, ông Hưng phải vay ngân hàng để đóng góp

“Kiệt quệ rồi chú ơi. Ở cái làng này, 95% gia đình đều phải nợ nần mỗi khi cần đến tiền”, cả ba ông đều than như thế.

Năm nay người dân thôn 9 đóng góp làm đường nông thôn hơi nặng. Nhà nhiều thì vài chục triệu đồng, nhà ít cũng dăm bảy triệu. Nếu làm ruộng như bây giờ thì may mà họ còn vay được, chứ không thì chẳng biết lấy gì để đóng góp.

"Nói xin lỗi chú chứ, nhiều nhà bây giờ đi ăn giỗ cũng phải mượn tiền. Trông hoành tráng thế thôi chứ chẳng có gì đâu. Chủ yếu trông vào sào bẩy ruộng. Chết không tháo ra, đẻ chẳng được chia thêm nên cũng nhiều bất cập. Còn chuyện con cái học hành thì đúng là nặng thật. Thôn này giờ cả chục trường hợp học ra không xin được việc làm. Ruộng không có. Bố mẹ lại phải nuôi báo cô. Nhà 5 người mà chỉ có một suất ruộng thì chú bảo sống làm sao nổi. Trong khi các khoản đóng góp nhà nước vẫn trưng dụng. Khó khăn lắm!", trưởng thôn Cù Văn Trung.

Như nhà ông Hưng. Con cái bỏ làng đi làm thuê hết, chỉ còn lại hai ông bà bám vào 1,5 sào ruộng. Thóc chỉ đủ ăn. Đợt làm đường nông thôn, người ta quy định đóng góp 300 ngàn/sào, 500 ngàn/khẩu, tùy theo từng công đoạn. Khoản đầu sào thì nhẹ, vì bình quân mỗi khẩu chỉ có 1,7 sào, còn đầu khẩu thì nặng quá.

Con cái đi làm ăn xa cũng phải đóng, đang đi học, thậm chí là mới đẻ cũng phải đóng. Tính toán thế nào mà nhà ông Hưng phải đóng cả chục triệu đồng. Ruộng thì thua rồi, sức ông bà chẳng còn để mà đi làm thuê đâu được nữa. Đang bí thì có nguồn vay của Hội Cựu chiến binh được 15 triệu đồng. Nốt thể nhà cửa đang dột mà chưa có tiền để sửa nên ông vay hết chỉ tiêu luôn.

Vay xong rồi, đóng góp xong rồi, sửa nhà xong rồi mới sợ. Nghĩ đến cảnh trả nợ, bà nhìn ông, ông nhìn bà mà ngán ngẩm. Chắc là treo đấy, con cái có góp nhau mà trả thì góp chứ như ông bà thì có lẽ đến chết cũng không trả nổi.

Ông Hưng tâm sự: “Đói ăn thì bây giờ không đến nỗi. Nhưng làng quê chỉ phát triển được bề ngoài thôi chú ơi. Làm nước sạch vay, con cái đi học vay. Bốc ông nông dân thì thả ông nước sạch, bốc nước sạch thả cựu chiến binh. Không đói nhưng chả dám ăn, phải hà tằn hà tiện. Không thì lấy gì mà chi tiêu hả chú. Hai năm trước về đây không có lối đi. Bây giờ có đường đi, xong, nhưng dân còn phải trả nợ chán. Hết giao thông nông thôn lại đến giao thông nội đồng. Bây giờ mà đóng góp nữa thì thôi. Chịu. Vặn răng dân ra mà đóng à".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN