Con gái đỗ trường Y, mẹ nghèo bán bò, vay mượn lo giấc mơ bác sĩ cho con
Mới nhập học được hơn 1 tháng, nữ sinh năm nhất trường Y Thái Bình đứng trước nguy cơ phải từ bỏ giấc mơ làm bác sĩ vì gia cảnh quá nghèo, bố mẹ lại đau ốm liên miên.
Ngôi nhà đơn sơ là nơi trú ngụ của gia đình Nguyệt. Ảnh NVCC
Cô học trò nghèo hiếu học
Em Lê Thị Minh Nguyệt (SN 2004) sinh ra tại một gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Đông Ninh, xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ em mắc nhiều thứ bệnh, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cái đói bủa vây quanh năm.
Nguyệt kể, bố em - ông Lê Bá Dân sức khoẻ yếu, thần kinh không ổn định nên mọi việc trong nhà từ lớn đều bé đều do một mình mẹ quyết định.
Thế nhưng, mẹ em - bà Nguyễn Thị Nhung cũng mắc nhiều thứ bệnh khác nhau. Bà bị bệnh hở van tim cấp độ 3, hỏng 1 mắt. Nhiều năm gần đây, sức khỏe bà giảm sút, không làm ăn gì được.
Nhà Nguyệt có 3 chị em gái thì chị gái đã lấy chồng xa, gia cảnh cũng không lấy gì làm khá giả. Em gái út hiện đang học lớp 9. Trọng trách gia đình sớm đặt lên đôi vai của Nguyệt.
Nguyệt (bên phải ảnh) cùng mẹ và em gái. Ảnh NVCC
Ngay từ bé, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được đi học với Nguyệt đó là niềm vinh dự. Nguyệt cố gắng học hành chăm ngoan và luôn là một trong những học sinh top đầu của lớp, của trường. Em từng là học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa về môn Lịch sử và môn Sinh học.
Bên cạnh đó, em phụ giúp bố mẹ tất cả mọi việc trong nhà, từ chăm sóc em gái, nấu cơm, giặt giũ quần áo đến việc đồng áng, chăn bò… Nguyệt luôn là niềm tự hào của gia đình.
“Em tự nhủ phải học thật giỏi để làm chỗ dựa cho bố mẹ và em gái. Nhiều lần thấy mẹ đau nhưng không dám đi viện, không có tiền mua thuốc nhưng vẫn tiết kiệm, vay mượn từng đồng để cho chúng em ăn học, em thương mẹ lắm. Đó cũng là lý do khiến em muốn thi vào ngành y để có thể chăm lo được sức khỏe cho những người thân yêu nhất của mình”, Nguyệt chia sẻ.
Lo nhiều hơn vui khi đỗ vào trường y
Nguyệt vui mừng báo với gia đình em trúng tuyển vào Đại học Y Thái Bình với số điểm 26,3
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2022 vừa qua, Nguyệt vui mừng báo với gia đình em trúng tuyển vào Đại học Y Thái Bình với số điểm 26,3 khối B. Cầm tờ giấy thông báo nhập học trên tay, em vừa mừng vừa lo.
Em mừng vì mình đã thi đỗ, giấc mơ làm bác sĩ của mình có thể thành hiện thực. Thế nhưng, em lo vì biết hoàn cảnh gia đình mình vô cùng khó khăn, kinh tế không thể đủ cho em ăn học 6 năm trời, vả lại còn em gái đang đi học.
“Lúc biết em đỗ đại học, nhiều người lo em phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Mẹ em thương em nên bảo cho em tự quyết định. Lúc đó, em rất rối bời. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Em gái em cũng động viên em đi học. Nó bảo nếu chị đi học thì em học đến hết lớp 12 sẽ nghỉ đi làm nuôi chị học. Em cảm thấy có lỗi và thương em gái lắm”, Nguyệt nghẹn ngào.
Với quyết tâm cho con theo đuổi ngành y, hơn 1 tháng trước, mẹ Nguyệt phải bán con bò và vay mượn thêm xóm làng đưa Nguyệt lên Thái Bình nhập học. Tiền học phí, tiền thuê trọ, ăn uống… chỉ một thời gian ngắn, số tiền Nguyệt mang theo đã hết veo.
Nguyệt có ý định đi tìm việc làm thêm để trang trải, nhưng hiện tại em chưa tìm được việc. Ở quê, bố mẹ lại đau ốm liên miên khiến Nguyệt như đứng giữa ngã 3 đường.
Cô tân sinh viên đã tính đến nước nghỉ học về quê đi làm để đỡ đần và gần bố mẹ. Thế nhưng được mẹ động viên, Nguyệt tiếp tục ở lại học nhưng trong lòng em chưa lúc nào yên, không biết có thể gắng gượng được đến lúc nào.
Lối nhỏ dẫn từ đường vào nhà Nguyệt. Ảnh NVCC
Ông Hoàng Cao Đức - Trưởng thôn Đông Ninh (xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, gia đình Nguyệt là một trong những hộ khó khăn nhất của thôn. Một mình mẹ Nguyệt phải gồng gánh nuôi chồng, nuôi con bao năm nay khiến ai nhìn cũng xót xa.
Mỗi tháng, gia đình được trợ cấp 950.000 đồng. Số tiền ấy tuy không quá lớn nhưng phần nào giúp gia đình giảm bớt gánh nặng.
Mới đây, biết hoàn cảnh khó khăn của Nguyệt, trường cấp 3 cũ của em đã xin được một suất học bổng trị giá 15.000.000 đồng từ Quỹ “Tiếp sức đến trường năm 2022” của Tỉnh đoàn Thanh Hoá để em có trang trải tiền ăn học.
Họ từng có vợ, có chồng, thậm chí con cháu đầy đủ, nhưng giờ đây phải sống cô đơn trong những căn nhà cấp 4 nằm sâu nơi núi rừng hiểm trở.
Nguồn: [Link nguồn]