“Con đường gốm sứ” - kỷ lục Guiness, đang kêu cứu

Bức tranh gốm dài gần 4 km, công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, từng được xác lập kỷ lục Guiness thế giới đang bong tróc từng mảng vằn vện. “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng (Hà Nội) tựa hồ như một “con rồng” đang chảy máu bởi vô vàn vết thương.

Nhiều “tuyệt tác” biến dạng

Bà Lê Thị Chính (52 tuổi), công nhân vệ sinh môi trường ở khu vực đường gốm sứ gần chợ đầu mối Long Biên cho biết, từ hơn một năm trở lại đây, các vết bong tróc xuất hiện ngày càng nhiều trên con đường gốm sứ. Những bức tranh gốm xưa kia vốn rất đẹp bởi đầy đủ đường nét thì nay bị biến dạng vì bị bong tróc quá nhiều. Cụ thể, bức tranh gốm “mặt nạ” giới thiệu về nghệ thuật tuồng, bức tranh chim bồ câu dưới gầm cầu vượt Trần Nhật Duật, đoạn gốm mô tả họa tiết gốm nâu thời Trần… bị bong tróc với những mảng rất lớn. Thậm chí, bức tranh gốm “Bầu trời đầy sao” của danh họa danh họa Vincent Van Gogh, đoạn gốm Phù Lãng đầu phố Cầu Đất, đoạn tranh gốm Khuê Văn Các ở lối đi vào bến Chương Dương… đang sắp có nguy cơ bị biến mất bởi đã bị bong tróc gần hết. Nhiều người đi đường thậm chí không nhận ra nổi đó là những bức tranh gốm từng được xem là “kiệt tác” cách 4 năm về trước.

“Con đường gốm sứ” - kỷ lục Guiness, đang kêu cứu - 1

Cận cảnh một đoạn đường gốm sứ bị biến dạng. Ảnh: Quân Nguyễn

Bên cạnh những tác phẩm gốm bị bong tróc, có những đoạn đã được cơ quan quản lý tìm cách vá víu lại. Tuy nhiên, sự vá víu này mang tính tạm bợ với kỹ thuật thô sơ, khiến cho những đoạn tường được vá víu trở nên thô kệch, xấu xí. Cùng với hiện tượng bong tróc là việc người dân vứt rác thải, phóng uế bừa bãi, lấy tường rào làm lối đi, đóng đinh hoặc buộc dây vào tường để căng bạt bán quán nước… khiến cho con đường di sản này trở nên nhếch nhác, tồi tàn đến thảm thương.

Nhiều người lao động ở khu vực con đường này nhận định, bên cạnh lý do thời tiết, một trong những nguyên nhân chính khiến “con đường gốm sứ” bị “chảy máu” là bởi ý thức của người dân quá tồi.

“Tôi chẳng hiểu sao nhiều người dân lại vô ý thức và xem thường tài sản quốc gia đến vậy. Cả con đường với hàng trăm tỷ đồng, là niềm tự hào của Thủ đô, ấy vậy mà nhiều người ngang nhiên dùng búa đóng đinh vào tường gốm để căng bạt bán nước, nhiều người lại vô tư đến đây phóng uế vào gốm…y như một nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi lên tiếng thì họ bảo: “Các ông, các bà có quyền gì mà cấm chúng tôi”? Kêu nhiều lần với các nhà quản lý thì chẳng thấy ai đoái hoài nên cũng đâm nản” – một bác tài xe ôm ở phố Hồng Hà nói.

“Con đường gốm sứ” - kỷ lục Guiness, đang kêu cứu - 2

Nhiều người dân ngang nhiên đóng đinh, buộc dây vào những mảnh gốm để mắc bạt kinh doanh quán nước. Ảnh: Quân Nguyễn

Sau 3 năm đã phải tu sửa

Theo kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì bất kỳ một công trình kiến trúc nào sau khi đưa vào sử dụng cũng phải có quy trình bảo dưỡng thường xuyên. Việc bảo dưỡng sẽ giúp công trình đảm bảo được độ bền và thẩm mỹ. Vì vậy, những công trình không được bảo dưỡng thường xuyên sẽ rất nhanh xuống cấp hoặc biến dạng. Với những công trình công cộng như “con đường gốm sứ” thì việc bảo dưỡng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông Hoàng cho biết, việc bảo dưỡng công trình này cần phải có kế hoạch và có nguồn kinh phí rõ ràng. Thêm vào đó, với một công trình mang tính “biểu tượng” như “con đường gốm sứ” thì việc bảo dưỡng phải được thực hiện bởi những nhà chuyên môn và có giải pháp cụ thể. Từ chuyện hàn gắn lại những mảnh gốm bị bong tróc đến loại chất liệu kết dính đều được tính toán chứ không phải “nhắm mắt” làm theo thói quen. Thêm vào đó, cần phải có các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng và bảo vệ công trình này. Muốn tuyên truyền được cho người dân hiểu, trước hết phải quản lý được việc họ sử dụng “con đường gốm sứ” vào các mục đích không hợp lý, xây thêm một số công trình vệ sinh công cộng để tránh tình trạng họ phóng uế vào tường gốm. Cùng với đó là việc kêu gọi những người sống xung quanh con đường chung tay bảo vệ di sản, hễ có bất kỳ sự xâm phạm nào thì phải ngăn chặn hoặc kịp thời báo cho cơ quan quản lý.

Tác giả của con đường gốm sứ, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy, cho biết, trong hơn 3 năm qua, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã phối hợp với Ban Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên tác phẩm nghệ thuật này. Tuy nhiên, do “con đường gốm sứ” nằm trên trục đường giao thông với mật độ xe qua lại nhiều, độ rung của chuyển động giao thông và sự thay đổi nhiệt độ giữa các mùa là nguyên nhân gây nên những vết nứt trên bề mặt tranh gốm.

“Về tổng thể, bức tranh vẫn giữ được vẻ tươi sáng, sạch đẹp vì hàng tháng, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội và Ban Chỉnh trang Đô thị đều có một nhóm đi kiểm tra, phát hiện những vết nứt và tiến hành tu sửa ngay. Thời gian vừa qua, do trời mưa liên tục nên việc duy tu bảo dưỡng có bị gián đoạn. Thời gian bảo hành do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội chịu trách nhiệm đã hết thời hạn. Ban Chỉnh trang Đô thị Hà Nội là đơn vị được thành phố bàn giao việc duy tu bảo dưỡng công trình đang làm các thủ tục và hồ sơ để có kinh phí tiếp tục việc duy tu bảo dưỡng” – tác giả “con đường gốm sứ” chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong năm nay, công ty của bà Thủy và Ban Chỉnh trang đô thị Hà Nội sẽ lập kế hoạch xin thêm kinh phí để tiến hành tu sửa kỹ càng và tổng thể để “con đường gốm sứ” trở lại với vẻ đẹp vốn có của nó.

Bà Chính cho hay, có những ngày bà cùng đồng nghiệp trong đội vệ sinh môi trường phải dành cả buổi sáng để gom những mảnh gốm bị bong tróc lại thành một đống cao rồi báo cho cơ quan quản lý nhưng không thấy ai đến xử lý. Còn đối với người dân, dù đã ra sức nhắc nhở mọi người có ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản nhưng một mình bà Chính không thể cải thiện được tình hình xuống cấp của cả một con đường gốm sứ dài tới 4km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Toàn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN